Phân cấp, uỷ quyền trong quản lý, điều hành của nhà nước là việc làm cần thiết nhằm cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý công việc, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, phát huy năng lực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đại biểu dự hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác Nội vụ năm 2023,
trong đó có các quy định về phân cấp quản lý cán bộ
Những năm gần đây, tại Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, nhiều thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, quy trình giải quyết TTHC thuận tiện, nhanh chóng nên đã tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; ngày càng nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào các KCN tập trung, góp phần cùng với tỉnh xây dựng một nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh và bền vững. Trong số các nhà đầu tư uy tín có thể kể đến như: Tập đoàn Sumitomo, Canon (Nhật Bản), Tập đoàn Hòa Phát... Có được kết quả đó do tỉnh sớm thành lập Ban Quản lý các KCN tỉnh; UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý các KCN tỉnh thực hiện nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý các KCN tập trung; hỗ trợ, vận động đầu tư vào KCN; tiếp nhận đơn xin đầu tư, thẩm định và cấp giấy phép cho các dự án đầu tư, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp theo ủy quyền…
Phân cấp, ủy quyền tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; là giải pháp quan trọng để cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế, việc phân cấp, ủy quyền đã được tỉnh thực hiện từ nhiều năm trước và cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là việc phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Điển hình như: Ngày 10/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 86/2021/QĐ-UBND quy định phân cấp và phân công nhiệm vụ quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; ngày 15/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 12/2022/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý và phân công nhiệm vụ về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…
Phân cấp, phân quyền, ủy quyền không chỉ là việc trao quyền, thể hiện sự tin tưởng của cấp trên đối với cấp dưới, tin vào năng lực, trình độ giải quyết nhiệm vụ, công việc của CB,CC,VC mà phân cấp, ủy quyền còn là để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ và cũng là để hạn chế chuyên quyền, độc đoán, tiêu cực của một bộ phận cán bộ quản lý, hoặc do quá nhiều việc nên không thể giải quyết công việc kịp thời, làm chậm quá trình phát triển, giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, phân cấp, ủy quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Nghĩa là cơ quan được phân cấp quản lý, người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm đến cùng với công việc được giao, phải giải trình trước tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phân cấp, ủy quyền và trước Nhân dân về những việc chưa hoàn thành, sai phạm khi mình được giao chịu trách nhiệm. Việc gắn quyền hạn với trách nhiệm là để khắc phục thực tế hiện nay một bộ phận CB,CC,VC sợ sai, sợ chịu trách nhiệm không dám làm...
Trong lĩnh vực nội vụ, ngày 20/4/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2023/QĐ-UBND quy định về quản lý tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế và CB,CC,VC, người lao động tỉnh Hưng Yên (Quyết định số 08). Đồng chí Lê Quang Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Quyết định số 08 quy định về nội dung, nguyên tắc, trình tự, thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền và phân cấp quản lý về công tác tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, biên chế, tuyển dụng, sử dụng CB,CC,VC, người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Việc phân cấp, ủy quyền được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm thống nhất sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành gắn với kiểm tra, giám sát. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thống nhất quản lý nhà nước và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung được phân cấp, ủy quyền. Điểm nổi bật của Quyết định số 08 là đẩy mạnh phân cấp, gắn trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được phân cấp và tăng cường sự kiểm soát của Sở Nội vụ trước, trong và sau khi thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định nhằm hạn chế sai phạm xảy ra. Đặc biệt, quy định cụ thể thời hạn trong tất cả các khâu, các bước kiểm tra, thẩm định, có ý kiến về nhân sự, tổ chức bộ máy, tuyển dụng...
Phân cấp, ủy quyền là giao thêm nhiệm vụ, công việc. Đây là việc hết sức cần thiết, vừa tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cấp, ngành, vừa nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ. Bài học từ việc phân cấp, uỷ quyền thời gian qua trong quản lý nhà nước ở ngành y tế chưa khoa học dẫn đến việc “chảy máu” nhân lực, thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ khám, điều trị bệnh, gây khó khăn cho chính ngành y tế, thiệt thòi cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.
Vấn đề đặt ra là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhưng phải bảo đảm nguyên tắc, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Khi phân cấp, ủy quyền, cần xem xét khả năng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị nhận phân cấp, ủy quyền, đi kèm với bố trí nguồn lực tương xứng, cơ sở dữ liệu quản lý, chuyển giao công cụ hỗ trợ phù hợp. Như vậy, việc phân cấp, uỷ quyền mới thực sự hiệu quả.
Nguồn: https://baohungyen.vn