Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2024, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nhất là phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước theo hướng bền vững.
Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) hướng dẫn người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hành chính về đất đai. (Ảnh: HỒNG TÍNH)
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung hoàn thành trình Chính phủ Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản; ban hành các văn bản dưới Luật nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tiếp tục đơn giản hóa từ 15-20% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thực hiện cung cấp dịch vụ công thiết yếu; đưa vào vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, kết nối liên thông giữa các ngành; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu ở 530 đơn vị hành chính cấp huyện; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường một cách hiệu quả.
Mặt khác, ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục cải thiện chỉ số thành phần môi trường, với các mục tiêu như: 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% số hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến; khoảng 700 hồ chứa thủy điện, thủy lợi được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu sau đập; 20% số trạm quan trắc khí tượng thủy văn được tự động hóa để từng bước hình thành mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại, tự động hoàn toàn và kết nối, chia sẻ số liệu với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Ngoài ra, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ và viễn thám đồng bộ, hiện đại, cập nhật kịp thời để cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương triển khai tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; 39% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000; 80% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000; nâng xếp hạng chỉ số chất lượng môi trường lên 10 bậc; nâng xếp hạng chỉ số đăng ký tài sản trong xếp hạng quyền tài sản của Liên minh quyền tài sản lên ít nhất hai bậc...
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh: Năm 2024 được Chính phủ xác định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Do vậy, để thực hiện tốt các nội dung và mục tiêu nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ, ngành tài nguyên và môi trường trên cả nước tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, trong đó có các dự án luật và văn bản dưới luật; các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.
Đồng thời thực hiện có hiệu quả các nội dung trong kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, đặc biệt tại một số thành phố thường xuyên có chất lượng không khí kém; công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng.
Ngoài ra, các đơn vị tiến hành rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập hồ sơ trình phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác.
Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cho biết thêm, các đơn vị trong ngành cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong đó, Cục Chuyển đổi số và Dữ liệu thông tin tài nguyên môi trường tăng cường phối hợp, kết hợp với các đơn vị, vừa tận dụng được thiết bị chuyên dụng của Bộ, vừa có được những cơ sở dữ liệu nguồn của các ngành để tích hợp, đồng bộ phục vụ các nhiệm vụ về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục tham gia các sáng kiến quốc tế và khu vực về tài nguyên và môi trường, nâng tầm ngoại giao môi trường, khí hậu nhằm thu hút nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm, phục vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, cơ quan có liên quan triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và phát huy tổng hợp các nguồn lực nhằm thúc đẩy các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu ở nước ta; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, tận dụng nguồn lực trong triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương kịp thời và hiệu quả...
Nguồn: https://nhandan.vn