Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. 
3 điểm hơn trong ngoại giao kinh tế
Theo Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế-xã hội. Thể hiện trên 3 nội dung: Đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ các động lực tăng trưởng; góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới; tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Trong 36 hoạt động đối ngoại Cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Công tác rà soát tình hình thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế được triển khai quyết liệt với cơ chế họp định kỳ hàng tháng, với gần 400 thỏa thuận của các bộ, ngành, địa phương được rà soát, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và tháo gỡ vướng mắc.
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens..., các đoàn gồm hàng trăm doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản...
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế mạng lưới 16 FTA đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành tạo đột phá như công nghệ cao bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực, AI, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng...
Tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn thừa nhận, ngoại giao kinh tế có lúc chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo; hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ, khâu xử lý và tháo gỡ vướng mắc trong các dự án chưa thực sự quyết liệt, rốt ráo. Xây dựng cam kết thỏa thuận với các đối tác còn coi trọng số lượng, tính thực chất chưa cao. Nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa có nhiều kết quả cụ thể mang tính đột phá. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đồng bộ, có độ trễ…
Các đại biểu đề nghị  tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự; rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao hàm lượng dự báo trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội, tập trung vào các xu thế phát triển mới trên thế giới và trong khu vực; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin hơn về nhu cầu, tiềm năng hợp tác, các chính sách pháp luật liên quan kinh tế của các nước… nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế thiết thực, hiệu quả hơn.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hằng quý, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị với các Đại sứ, Trưởng đại diện Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để phát triển kinh tế đối ngoại, kết nối với kinh tế thế giới, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW, mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. 
Khái quát về những kết quả tích cực của kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt; bảo đảm các cân đối lớn, thị trường lao động được bảo đảm. Thủ tướng khẳng định, có được thành quả như vậy là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành tích cực của Chính phủ, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Cho biết, thời gian qua công tác ngoại giao kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực, thực chất và hiệu quả hơn; chuyên nghiệp và bài bản hơn; đồng bộ và toàn diện hơn; biểu dương sự đóng góp tích cực của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian tới tình hình ngày càng khó khăn vì cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, già hóa dân số; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; hậu quả COVID-19 chưa hết; lạm phát ở các nước lớn ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Việt Nam; vấn đề liên quan đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu; vấn đề năng lượng, xăng dầu biến động, tăng giá; giá thành logistics tăng do bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, chiến tranh, căng thẳng địa chính trị…
Khai thác các thị trường mới, lĩnh vực mới nổi
Cho rằng, hiện nay, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, nhất là ngành Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công công việc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; khi tổ chức thực hiện phải kiểm tra, đánh giá, đôn đốc, rút kinh nghiệm.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ đề ra sẽ cao hơn mức từ 6,5 đến 7%, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, cả nước đang thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trong đó đột phá hạ tầng, nhất là phấn đấu mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc đến cuối năm 2025; cải tạo các tuyến đường sắt, xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao; xây dựng các cảng biển lớn; phát triển các sân bay như sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng các sân bay hiện hữu như Nội Bài, Tân Sơn Nhất…; đẩy mạnh hạ tầng xanh, hạ tầng số, hạ tầng chống biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng tập trung hoàn thiện thể chế, với việc ban hành các Luật quan trọng, nhờ đó làm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh; đang tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ các lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, điện toán đám mây; lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm động lực cho sự phát triển.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Chính phủ. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Thủ tướng cho biết, hiện nay Việt Nam xác định ưu tiên cho tăng trưởng, do đó phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung vào động lực xuất khẩu, muốn vậy phải thúc đẩy thị trường xuất khẩu; cải thiện môi trường hợp tác; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, đẩy mạnh du lịch.
Cùng với đó, Việt Nam thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, lấy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm nền tảng cho sự phát triển. Do đó, tập trung kêu gọi đầu tư, mở rộng tăng trưởng cho các động lực tăng trưởng mới.
“Phải kết nối nước ngoài với trong nước, lắng nghe các địa phương, nhu cầu và mục tiêu phát triển đất nước; kết nối các nước, khu vực kinh tế, nền kinh tế với kinh tế nước ta; kết nối doanh nghiệp thế giới với doanh nghiệp Việt Nam; kết nối các địa phương với các địa phương của các nước để tận dụng cơ hội để phát triển”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Việt Nam đang tích cực đàm phán các FTA; thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư; yêu cầu các doanh nghiệp tích cực kết nối với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để truyền tải thông tin, hàng hóa, khả năng cạnh tranh hàng hóa, quảng bá sản phẩm của Việt Nam với thế giới với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, tập trung vào những gì thị trường thế giới cần, đang khan hiếm, vừa giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục thực hiện quản lý nhà nước tốt, định hướng sự phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu để hàng hóa đủ khả năng cạnh tranh, phù hợp xu thế của thế giới; mong các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoải nắm chắc thông tin, phản ứng chính sách hiệu quả, cùng phối hợp chặt chẽ trong nước, ngoài nước với tinh thần luôn sẵn sàng, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với tinh thần nắm chắc tình hình, bám sát xu thế, quyết liệt triển khai, hành động sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chính phủ trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, nỗ lực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với tinh thần quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau tốt hơn nhiệm kỳ trước; mong muốn các cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục hâm nóng những gì đang có đà, giữ lửa và thúc đẩy lên; khắc phục những hạn chế, bất cập.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy việc mở rộng thị trường Trung Đông, Nam Mỹ, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal; tiếp tục đàm phán ký kết các FTA với Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; mong các Cơ quan đại diện theo dõi sát tình hình về các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước áp dụng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục tận dụng đà phục hồi du lịch, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, góp phần tăng cường sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp, các bộ, ngành tập trung nghiên cứu các giải pháp mới, đột phá trong thu hút đầu tư, tài chính cho phát triển, trong đó kêu gọi vốn, tài chính của các nhà đầu tư, đối tác; kêu gọi chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; chuyển giao, chia sẻ khoa học quản trị thông minh, hiện đại, với tinh thần nắm bắt từ sớm, từ xa các xu thế phát triển khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý thông minh để áp dụng trong nước tốt hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng sau hội nghị này, sự kết nối trong nước với nước ngoài chặt chẽ, hiệu quả, thực chất hơn, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hơn nguồn lực của cộng đồng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; yêu cầu các Cơ quan đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài với tinh thần chủ động, hiệu quả, chia sẻ những khó khăn, thúc đẩy thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài ổn định sinh sống, làm ăn, vừa có điều kiện hỗ trợ trong nước./.
Nguồn: dangcongsan.vn