Những ngày qua, thời tiết giao mùa làm môi trường nước sông thay đổi đột ngột, các hộ nuôi cá lồng của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) liên tục thực hiện biện pháp sục khí nhân tạo, đồng thời bổ sung vitamin, các loại thức ăn dinh dưỡng… nhằm tăng đề kháng cho cá.
Ông Trần Văn Pháp, thành viên hợp tác xã cho biết: Nuôi cá lồng trên sông vốn đầu tư ban đầu lớn. Người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, chủ động phòng, chống thiên tai và phòng bệnh cho cá. Vì vậy, ngày nào, tôi cũng có mặt tại khu vực lồng nuôi để chăm sóc, theo dõi đàn cá nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hiện tượng bất thường.
Thành viên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) chăm sóc cá nuôi trong lồng
Hoạt động nuôi cá lồng trên sông của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng được thực hiện từ năm 2019. Hiện nay, hợp tác xã có khoảng 60 lồng, chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng và cá rô phi. Trung bình mỗi lứa khoảng 15 tháng, hợp tác xã cho thu hoạch khoảng 500 tấn cá các loại, tổng trị giá trên 20 tỷ đồng. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Đây là tài sản có giá trị lớn nên chúng tôi rất sát sao, chủ động trong chăm sóc và phòng bệnh cho cá. Các lồng nuôi thường xuyên được kiểm tra, tu sửa, vệ sinh để bảo đảm môi trường sống sạch, giảm nguy cơ gây bệnh cho cá nuôi…
Tận dụng con sông Hồng chạy qua địa bàn, năm 2020, anh Nguyễn Văn Đĩnh ở xã Đức Hợp (Kim Động) mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng làm 21 lồng nuôi cá trên sông. Trung bình 1 năm, gia đình anh xuất bán trên 30 tấn cá thương phẩm các loại như chép, rô phi, trắm đen, lăng… trừ chi phí cho thu lãi 300 - 500 triệu đồng. Anh Đĩnh cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nuôi trong ao truyền thống. Để bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả, ngay từ khi thiết kế lồng tôi lựa chọn những vật liệu làm khung, lưới chắc chắn; chọn vị trí thuận lợi để đặt lồng; chỉ nhập cá giống khỏe mạnh, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn dịch bệnh; thức ăn cho cá mua từ những công ty có uy tín; phòng trừ dịch bệnh cho cá định kỳ, đặc biệt là bệnh nấm; thường xuyên theo dõi thời tiết, thủy triều để điều chỉnh chế độ chăm sóc. Mỗi loại cá được nuôi riêng biệt trong từng lồng và có chế độ chăm sóc khác nhau. Năm nay, thời tiết thay đổi bất thường, mực nước sông Hồng xuống thấp hơn năm trước nên khó khăn cho cho hoạt động sản xuất thuỷ sản trong lồng, bè trên sông, nhưng do áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên theo dõi, nắm bắt hướng dẫn từ ngành chuyên môn nên đến thời điểm này, đàn cá của gia đình tôi phát triển tốt.
Tỉnh Hưng Yên có hai con sông lớn là sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn 6 huyện, thành phố với chiều dài 90 km, là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển thủy sản. Tận dụng diện tích mặt nước, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng dự án phát triển nghề nuôi cá lồng hướng đến mục tiêu giúp nông dân tiếp cận và áp dụng khoa học, kỹ thuật trong nuôi thủy sản với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Các hộ tham gia dự án sẽ được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng bệnh, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá để đánh giá hiệu quả của dự án. Đến nay, toàn tỉnh phát triển được khoảng 500 lồng cá trên sông, tập trung tại thành phố Hưng Yên và 2 huyện Kim Động, Phù Cừ.
Trước hiện tượng cá lồng được nuôi trên sông Thái Bình của các chủ lồng bè tỉnh Hải Dương chết hàng loạt, đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, ngay sau khi nắm bắt thông tin, cán bộ Phòng Thuỷ sản trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra, nắm tình hình, lấy mẫu quan trắc và hướng dẫn các chủ lồng nuôi các biện pháp chăm sóc thủy sản thả nuôi.
Theo ông Điệp, từ đầu năm đến nay, thời tiết có những diễn biến bất thường, mực nước tại các dòng sông chảy qua tỉnh thấp hơn 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng cần thực hiện đúng quy hoạch về vị trí, các điểm nuôi đã được ngành chuyên môn điều tra, khảo sát, đánh giá; thiết kế lồng và hệ thống lưới an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế; lựa chọn con giống có chất lượng tốt, đúng kích cỡ, có nguồn gốc, đã được kiểm định, tránh thả giống vào thời điểm giao mùa; trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lồng giảm vật bám, chất bẩn ở trong lồng nuôi để nước lưu thông, tăng cường oxy hòa tan trong nước; lựa chọn thức ăn chăn nuôi có chất lượng, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; thường xuyên theo dõi thời tiết và cảnh báo của ngành chức năng; thường xuyên quan sát nước vùng nuôi và cá nuôi để ứng phó, tăng cường oxy và đảo nước; khi có hiện tượng bất thường liên hệ ngành chuyên môn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời…
Nguồn: https://baohungyen.vn