Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Qua đó gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các mô hình kinh tế tuần hoàn đã được xây dựng và dần nhân rộng trong tỉnh, khẳng định giá trị bền vững, góp phần quan trọng để sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.
Hệ thống thu gom - xử lý - tuần hoàn 80% nước thải tại Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai (Văn Lâm)
Mong muốn chuyển dịch mô hình sản xuất thông thường sang kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững, Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm) đã quan tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị và đào tạo nguồn lao động phù hợp để sản xuất tuần hoàn, tận thu nguyên liệu đầu vào, tái chế triệt để phế liệu, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh. Hoạt động sản xuất chính của công ty là thu gom ắc quy chì đã qua sử dụng, phân loại, tái chế, tạo thành chì thành phẩm để phục vụ tái sản xuất. Nếu không tái chế, ắc quy chì đã qua sử dụng chỉ là một loại phế liệu độc hại, bỏ đi. Nhưng nếu tận dụng tốt thì từ ắc quy thải có thể đúc ra chì mới – kim loại quý sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ông Lê Văn Phiếu, Giám đốc Công ty TNHH Làng nghề Đông Mai cho biết: Để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, Ban Giám đốc đã trăn trở nhiều năm, học hỏi kinh nghiệm và xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. Trước khi bắt tay vào đầu tư nhà xưởng, chúng tôi đã ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải và hệ thống xử lý khói bụi, dù chi phí cao cũng phải đầu tư nên khi vận hành, công ty không có nước thải và khí thải gây ô nhiễm môi trường, các chỉ số quan trắc nước thải, khí thải bảo đảm duy trì, được ngành chức năng đánh giá cao.
Tại công ty, quy trình sản xuất, tái chế chì được thực hiện theo quy trình khép kín, từ khi nguyên liệu đưa vào nhà xưởng. 100% nước ngâm rửa sẽ thu hồi về hệ thống xử lý nước thải để xử lý. Sau khi xử lý, 80% nước thải được tuần hoàn trở về làm nguồn nước phục vụ sản xuất, 20% còn lại là bùn thải, cặn bẩn được thu gom và xử lý theo quy định. Công ty có 3 hệ thống thu gom bụi nấu chì để kết nối với tất cả các lò nấu. Mỗi hệ thống cần chi phí đầu tư xây dựng, lắp đặt gần 5 tỷ đồng. Bụi chì được thu gom triệt để, không phát tán ra môi trường. Mặt khác, bụi chì cũng chính là nguồn nguyên liệu để đưa vào lò nấu thành những thỏi chì mới.
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong tỉnh đang có trên 100 doanh nghiệp đầu tư sản xuất tuần hoàn hoặc sản xuất tuần hoàn một số khâu để bảo vệ môi trường và giảm chi phí sản xuất. Sản xuất theo hướng tuần hoàn được áp dụng trong nhiều khâu sản xuất như: Thu gom và tái chế các loại rác, phế phẩm trong quá trình sản xuất nhựa, giấy; thu gom triệt để bụi chì, bụi kẽm để tái sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chì và kẽm; sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế thay thế cho nguyên liệu, nhiên liệu nguyên sinh…
Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Đồng (Văn Lâm) từ khi hoạt động đã hướng tới mục tiêu không có chất thải và biến chất thải thành nhiên liệu. BàTrương Thị Ngọc Anh, Giám đốc công ty cho biết: Công nghệ này phổ biến tại Nhật Bản hơn 30 năm nay. Tất cả các loại rác thải như nhựa, giấy, gỗ đều có thể bán và tái chế để sử dụng luôn. Những thành phần không được phân loại triệt để, khó tái chế sẽ được dùng làm viên đốt RPF. Nguồn đầu vào để sản xuất viên đốt RPF chủ yếu là nhựa PP và PE (hai loại nhựa tốt không có thành phần clo), giấy, gỗ vụn từ các khách hàng. Chúng được phân loại, làm sạch, nghiền nhỏ rồi cho vào máy nén thành viên. Từ 1 tấn rác sẽ thu được 1 tấn nhiên liệu đốt. Như vậy, phế thải đầu vào sẽ cho ra 100% sản phẩm đầu ra, không có chất thải. Sản phẩm được dùng trong các lò hơi, thay thế than, trấu, củi… Viên đốt RPF có thể tạo ra lượng nhiệt lớn hơn 20-30% so với than đá.
Quá trình sản xuất viên đốt RPF và quá trình sử dụng loại nhiên liệu tái chế này trong các lò hơi đều bảo đảm các thông số kỹ thuật về môi trường theo quy định. Hiện nay, công ty thường xuyên có 6 – 7 doanh nghiệp cung cấp phế liệu và có 4 doanh nghiệp tiêu thụ toàn bộ viên đốt RPF.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Trong sản xuất nông nghiệp chưa quy hoạch được nhiều khu sản xuất tập trung xa khu dân cư; trong sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cần chi phí đầu tư lớn, quy mô và áp dụng kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực phù hợp… Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kinh tế tuần hoàn mặc dù là lĩnh vực mới, song từ hộ sản xuất nhỏ hay doanh nghiệp lớn đều có thể tham gia thực hiện, bắt đầu từ quy mô nhỏ, qua đó từng bước thay đổi về nhận thức và hành vi của toàn xã hội trong bảo vệ môi trường. Thời gian tới, sở có kế hoạch phối hợp với các địa phương, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế tuần hoàn, “xanh hoá” các khâu sản xuất, kết nối các cơ sở để nhân rộng những mô hình thiết thực sử dụng phế phẩm, rác thải của khâu sản xuất này làm nguyên liệu, nhiên liệu cho các khâu sản xuất khác.
Nguồn: https://baohungyen.vn