Những năm gần đây, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống không chỉ là đề tài hấp dẫn các hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà còn là nguồn cảm hứng, gợi ý mới mẻ cho ngành công nghiệp video game (trò chơi điện tử) - một lĩnh vực mang lại nguồn thu giàu tiềm năng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa: Kim Há/TTXVN
Theo dự báo của công ty phân tích dữ liệu trò chơi điện tử Newzoo, doanh thu của ngành công nghiệp game Việt Nam dự kiến đạt 655 triệu USD vào cuối năm 2024. Doanh số khả quan này đến từ việc có hơn 43 triệu người Việt Nam (khoảng 40% dân số) có xu hướng lựa chọn trò chơi điện tử làm hình thức giải trí khi rảnh rỗi.
Ðối chiếu từ số liệu trên, mục tiêu tăng doanh thu ngành công nghiệp game lên 1 tỷ USD vào năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra là hoàn toàn khả thi. Dù vậy, ngành công nghiệp non trẻ này vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn chinh phục thị trường trong nước và quốc tế. Một trong số đó chính là sáng tạo ra những trò chơi vừa bảo đảm tính giải trí nhưng vẫn hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Thực tế, đây cũng là mong muốn của các công ty game qua việc đầu tư, sản xuất những sản phẩm giàu tham vọng như Thuận thiên kiếm, 7554 và gần đây là Triều đại Tây Sơn... đều là những trò chơi thể hiện tâm huyết của nhà làm game trong nước muốn gắn trò chơi điện tử với những giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, dân tộc. Tuy nhiên các dự án này đều không thành công do nội dung còn sơ sài, đồ họa lạc hậu và lối chơi thiếu đột phá so với trò chơi nước ngoài cùng thể loại.
Dù đã rất cố gắng, các nhà làm game Việt Nam vẫn chưa thể tạo ra những sản phẩm ưng ý do thiếu kinh phí và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, các công ty game cũng chưa nhận được các chính sách ưu đãi riêng biệt, phù hợp với đặc thù sản xuất và kinh doanh của mình. Họ cũng thiếu sự hỗ trợ, hưởng ứng của các công ty phát hành, cung cấp dịch vụ game trong nước cho nên rất khó để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ðòi hỏi khắt khe của một bộ phận game thủ cũng là nguyên nhân khiến nhiều game Việt sớm thất bại. Không ít người mặc định rằng các trò chơi điện tử do Việt Nam sản xuất đều là những sản phẩm kém chất lượng. Bởi vậy, họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng cho các trò chơi nước ngoài nhưng ít quan tâm, mặn mà với game Việt.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà phát triển, sản xuất game Việt Nam cũng dần chuyển hướng sang thị trường quốc tế. Một số sản phẩm game thành công của Việt Nam được nhiều game thủ quốc tế biết đến như Toy Odyssey, Caravan War, Free Fire hay Hoa đều có bối cảnh, nhân vật xa lạ với người Việt Nam. Nếu không được các phương tiện báo chí, truyền thông giới thiệu, đưa tin thì khó ai nghĩ rằng đây là những sản phẩm của người Việt.
Trong bối cảnh đó, để ngành công nghiệp game tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Nhà nước cần ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phát hành game trong nước tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế đồng thời góp phần phát huy, quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, dân tộc.
Mới đây, ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; trong đó, nhấn mạnh việc bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm trò chơi điện tử trên không gian mạng mang đậm bản sắc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển thế giới; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên không gian mạng.
Ðây có thể xem là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp game Việt Nam nhanh chóng bứt phá trong thời gian tới. Thành công gần đây của ngành công nghiệp game Trung Quốc, Nhật Bản với những trò chơi điện tử khai thác các thế mạnh của văn hóa, lịch sử bản địa như Ngộ Không: Hắc thần thoại; Linh hồn của Tshushima... có thể xem là thí dụ tham khảo để người Việt Nam tạo ra những sản phẩm trò chơi điện tử mang bản sắc riêng của quốc gia, dân tộc.
Nguồn: https://nhandan.vn