Hiện nay, tỉnh có 76 doanh nghiệp chuyên sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) chủ yếu ở lĩnh vực: Gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, kính xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, bê tông thương phẩm, vật liệu lợp, cát xây dựng. Bên cạnh đó có một số doanh nghiệp chuyên khai thác cát; hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở có quy mô lớn chuyên kinh doanh các loại vật liệu xây dựng, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây là lĩnh vực có giá trị sản xuất cao, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, cung ứng nguồn nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ xây dựng.
Sản xuất vật liệu xây dựng không nung tại huyện Phù Cừ
Tình hình đầu tư, sản xuất VLXD trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay cho thấy đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều nhà máy sản xuất VLXD thuộc các nhóm sản phẩm: Gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã được đầu tư có chiều sâu, nâng cấp công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc phát triển sản phẩm dần theo hướng tính năng mới, thân thiện hơn với môi trường, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhiều sản phẩm được xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Anh Lê Đức Thành, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh, vận chuyển VLXD cao cấp tại thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) cho biết: Trước đây, tôi chuyên kinh doanh các loại VLXD truyền thống như gạch đất sét nung, ngói đất sét nung, 3 năm trở lại đây tôi chuyển hẳn sang kinh doanh VLXD chất lượng cao như ngói màu, ngói trang trí, gạch ốp lát trong nhà, sứ vệ sinh. Các khách hàng của tôi đều yêu cầu cao về sản phẩm có chất lượng bền, đẹp, thân thiện với môi trường. Ngoài cung cấp trong tỉnh, 40% sản phẩm của doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ ở thị trường ngoại tỉnh.
Ngày 29/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3057/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh. Nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXD mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD trong nền kinh tế. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất VLXD trong tỉnh đã từng bước loại bỏ công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đơn cử như sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lò hoffman, lò đứng liên tục được thay thế bằng công nghệ mới như lò tuynel trần phẳng di động, lò tuynel xoay di động. Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, đến năm 2009, tỉnh đã xoá bỏ hơn 500 lò gạch thủ công và xây dựng lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung công nghệ lạc hậu. Tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản xuất vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung, không đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất đối với sản phẩm tấm lợp amiăng xi măng, cơ sở đang sản xuất phải có phương án chuyển đổi công nghệ. Mặt khác, quản lý chặt chẽ đất nông nghiệp, nghiêm cấm việc khai thác đất sét từ đất nông nghiệp để sản xuất gạch ngói dưới mọi hình thức.
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh đẩy mạnh sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng. Đồng thời tăng cường kiểm soát tỉ lệ sử dụng VLXKN trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở theo thẩm quyền. Ông Vũ Văn Thắng, Giám đốc nhà máy gạch không nung tại xã Tiên Tiến (Phù Cừ) cho biết: Mỗi ngày nhà máy sản xuất được 5 vạn gạch không nung, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Giá bán gạch không nung chỉ tương đương với gạch đất sét nung, ưu điểm hơn là độ bền cao, quá trình sản xuất không nung nên giảm các tác động tiêu cực tới môi trường.
Nhằm nâng cao và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá VLXD trong tỉnh bảo đảm theo quy định của pháp luật, việc tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm hàng hoá VLXD được ngành chức năng, cấp có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc theo các quy định của Bộ Xây dựng, trong đó có các quy chuẩn: QCVN 16:2017/BXD; QCVN 16:2019/BXD. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm hàng hoá VLXD được ngành chức năng thực hiện thường xuyên trong quá trình sản xuất, khi lưu thông trên thị trường và sử dụng trong các công trình xây dựng. Hiện nay, trong tỉnh đã xây dựng và duy trì 10 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được cấp mã số (LAS-XD), phạm vi và lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo quy định, bảo đảm việc kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm VLXD.
Đồng chí Cao Quang Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Để phát triển VLXD bền vững gắn với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp sản xuất cần không ngừng đổi mới dây chuyền công nghệ, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm vật liệu nhẹ, cấu kiện có kích thước lớn. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các loại VLXD phù hợp với công nghệ thi công xây dựng hiện đại, tăng năng suất lao động, giảm giá thành công trình. Bên cạnh đó, để phát triển ngành VLXD, cần đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXD công nghệ cao, nhất là sản xuất VLXD từ phế liệu, phụ liệu nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Nguồn: https://baohungyen.vn