KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/02/2024 - Lượt xem: 366
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh

Ngày 31/1, đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến kiểm tra tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương của tỉnh.

Toàn cảnh buổi kiểm tra
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên được khởi công từ tháng 11/2023. Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 4 mũi thi công đường. Giá trị sản lượng đến ngày 30/1/2024 đạt khoảng 17,6 tỷ đồng. Tiến độ thi công cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích đất nông nghiệp, đất công, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp. Đối với diện tích đất ở, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất, hiện tại đang tổ chức lập và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư đạt 195,6/230,1héc-ta đạt 85%. Các địa phương đã tổ chức thực hiện xây dựng 11 khu tái định cư và 7 khu cải tạo, mở rộng nghĩa trang. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt hồ sơ thiết kế, triển khai sau thiết kế cơ sở, hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công và đang tổ chức thi công xây dựng 11/11 khu tái định cư và 7/7 khu cải tạo, mở rộng nghĩa trang…
Hiện nay, một số vị trí bị vướng mắc mặt bằng thi công, một số mũi thi công chưa có đường tiếp cận. Bên cạnh đó, nguồn vật liệu cát đắp nền đường khan hiếm. Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 tuy nhiên hiện nay chưa có Nghị định, thông tư hướng dẫn, gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện 500kV, 220kV, 110kV… gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam yêu cầu UBND các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Lâm chỉ đạo các phòng, ban liên quan đẩy nhanh công tác GPMB, bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch để nhà thầu thi công trước ngày 30/6/2024. Đơn vị thi công phối hợp với chủ đầu tư và các địa phương tổng hợp những khó khăn, vướng mắc thực tế trong quá trình triển khai; đề xuất giải pháp cụ thể để báo cáo UBND tỉnh. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ di chuyển đường điện. Về tình hình khan hiếm vật liệu xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam nhấn mạnh, tỉnh đang nỗ lực phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận xây dựng phương án tháo gỡ. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu các mỏ vật liệu của tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan