Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc các hộ chăn nuôi tái đàn và hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật... tăng mạnh vào dịp cuối năm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra. Tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng đàn lợn bỏ ăn, tiêu chảy. Địa phương, ngành chức năng đã chủ động theo dõi, giám sát tình hình và hướng dẫn người dân điều trị bệnh bằng những loại thuốc đặc trị. Đến nay, tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh lớn. Tuy nhiên, trước những diễn biến của thời tiết và tình hình dịch bệnh phức tạp dịp cuối năm, ngành chức năng, các địa phương cần thường xuyên giám sát, tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Nhân viên thú y- khuyến nông xã Đức Hợp (Kim Động) phun khử trùng phong bệnh cho vật nuôi
Trước thông tin xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại tại một số tỉnh, các hộ chăn nuôi lợn ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) đã chủ động, tăng cường các biện pháp phòng dịch cho đàn lợn. Anh Trần Quốc Toản ở xã Dạ Trạch cho biết: Hiện nay, tôi nuôi hơn 1 nghìn con lợn thịt, 200 con lợn nái. Để an toàn cho đàn lợn, tôi đã chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Trong quá trình nuôi, ngoài việc hoàn toàn cách ly với môi trường bên ngoài, tôi còn thường xuyên vệ sinh, khử trùng, tiêu độc toàn bộ trang trại, khu vực chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất. Hằng ngày, xe chở thức ăn gia súc, các vật dụng liên quan khi vào khu vực chăn nuôi đều qua công tác khử khuẩn ngoài cổng, đồng thời hạn chế việc người lạ ra vào nhằm tránh lây bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh nguy hiểm khác.
Hiện nay, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đã và đang chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết giao mùa. Tại Hợp tác xã chăn nuôi Thạo Tình, xã Đồng Than (Yên Mỹ), các thành viên tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Hiện nay, hợp tác xã đang nuôi 2 vạn con gà. Thời tiết giao mùa, đàn gà rất dễ mắc bệnh về hô hấp, cúm… do đó, các thành viên hợp tác xã tiến hành tiêm đầy đủ các loại vắc xin, chú trọng cung cấp lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho đàn gà phát triển tốt. Định kỳ 10-20 ngày phun khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay, sau hơn 2 tháng tái đàn, đàn vật nuôi của hợp tác xã phát triển tốt.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) cho biết: Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi dịp cuối năm, UBND xã đã tiến hành rà soát, tổng hợp số hộ chăn nuôi trong xã, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh và ý nghĩa của việc tiêm phòng để chủ động tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thú y phối hợp với các thôn nắm bắt tình hình dịch bệnh, báo cáo hằng tháng.
Đồng chí Hoàng Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 743 trang trại chăn nuôi và hàng trăm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tổng đàn vật nuôi đạt trên 10,3 triệu con. Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi dịp cuối năm, các địa phương đã triển khai thực hiện tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 (từ ngày 15/9 đến 15/10) đồng thời triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh vụ thu - đông. Ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động kiểm soát, kiểm dịch thú y. Các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục triển khai tiêm phòng các loại vắc xin theo kế hoạch.
Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm dịp cuối năm, ngày 24/10, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 644/NN-TY về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương. Theo đó, sở khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, chú trọng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi; các hộ chăn nuôi quy mô lớn, trang trại áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chú trọng lựa chọn con giống tại các cơ sở uy tín đã được kiểm dịch. Ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển động vật… Các địa phương chủ động bám sát tình hình dịch bệnh, tăng cường công tác tiêm phòng… Đặc biệt, khuyến cáo người dân, khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh phải báo ngay cho lực lượng thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn