Ngày 8/7, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. (Ảnh: HƯNG TẠ)
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị.
Đồng chủ trì có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban; các đồng chí Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thanh Hải và Đặng Văn Dũng. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Ban Nội chính Trung ương đến 63 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Dũng báo cáo tóm tắt kết quả 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó nhấn mạnh những kết quả nổi bật, toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
Hội nghị cũng được nghe đại diện các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tham luận, thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được, nhất là rút ra bài học kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc được chỉ ra qua các hội nghị sơ kết, giao ban trước đây; bám sát sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy để chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từ công tác phòng ngừa đến phát hiện, xử lý.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động ngày càng nền nếp, bài bản, hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã phát huy vai trò Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, càng làm càng có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Nhờ đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở ngày càng thực chất, hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định “trên đã nóng, dưới cũng đang nóng”.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đã được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.
Cùng với đó, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm, kể cả những vụ việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương khởi tố mới 444 vụ án với 1.242 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023); tất cả 63 tỉnh, thành phố đều khởi tố mới án tham nhũng. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý…
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: HƯNG TẠ)
Về nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Quan tâm chỉ đạo hoàn thành sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm các Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc;…
Chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm (như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn;…) và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến công ty Việt Á, AIC, tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm,…; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp sắp tới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che cho tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, nhất là chế độ họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; tham mưu Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân và báo chí đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Đặng Văn Dũng phổ biến, quán triệt nội dung Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả quy định này trong thời gian tới.
Nguồn: https://nhandan.vn