Gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Vào ngày 22/4, tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (Yên Bái) đã xảy ra vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3 của Nhà máy xi măng Yên Bái, đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã xảy ra sự cố tai nạn lao động. Hậu quả vụ tai nạn làm 7 công nhân bị tử vong và 3 công nhân khác bị thương. Tiếp đó, vào ngày 1/5, vụ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh ở tỉnh Đồng Nai làm 6 người tử vong.
TNLĐ gây ra những mất mát, thiệt hại không thể bù đắp với người lao động, người sử dụng lao động. Năm 2023, theo số liệu báo cáo của 285 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xảy ra 92 vụ TNLĐ làm 92 người thương vong. Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ chủ yếu do người lao động vi phạm biện pháp an toàn, quy trình vận hành các thiết bị máy móc và một số trường hợp bị tai nạn trong quá trình tham gia giao thông trên đường đi làm và trên đường đi làm về.
Anh N.V.M., công nhân làm việc tại Công ty TNHH Suzuran Việt Nam (thị xã Mỹ Hào) bị bỏng hơi trong quá trình làm việc dẫn đến thương tật với tỉ lệ 53%. Anh M. cho biết: Từ một người bình thường bỗng nhiên bị thương tật, thời gian đầu, tôi sống khép kín và mặc cảm với bản thân. Giá như tôi cẩn trọng hơn thì TNLĐ đã không xảy ra.
Chị P.T.H là công nhân của một công ty chế biến nông sản ở thành phố Hưng Yên từng là nạn nhân của TNLĐ. Trong ca làm việc, do chủ quan, chị bị máy cuốn tay, bị gãy tay và tổn thương phần mềm. Chị H. chia sẻ: Tôi may mắn khi không bị di chứng nặng nề. Sau lần lơ là để xảy ra TNLĐ như vậy, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân cần thực hiện tốt nội quy lao động tại công ty, kiểm tra máy móc, thiết bị trước khi vận hành, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để làm việc an toàn hơn.
Sản xuất tại Công ty TNHH YURA CORPORATION VINA (Văn Lâm) Ảnh minh hoạ
Tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối (thị xã Mỹ Hào), năm 2023 khám, điều trị 242 trường hợp bị tai nạn lao động. Trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh viện khám, điều trị 29 trường hợp bị tai nạn lao động. Đồng chí Phạm Đăng Quế, Giám đốc bệnh viện cho biết: Những ca cấp cứu về tai nạn lao động thường gặp là tổn thương ở nhóm tai nạn lao động như: Mất ngón chân, ngón tay, giập bàn tay; nặng hơn là mất chân, tay, vỡ tim, chấn thương sọ não, sau điều trị bệnh nhân vẫn còn thương tổn nặng nề như trở nên tàn tật, liệt, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Số ca cấp cứu thường gặp tại bệnh viện ghi nhận ở các doanh nghiệp sản xuất gỗ, nhựa, cơ khí… Để phòng ngừa TNLĐ xảy ra, người lao động cần tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Trước và trong quá trình vận hành cần kiểm tra máy móc, không lơ là, chủ quan khi làm việc. Khi phát hiện người bị TNLĐ, người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu, băng bó vết thương, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý.
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động, người lao động và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ. Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức 2 lớp tập huấn, huấn luyện cho 200 lượt người lao động làm công tác ATVSLĐ tại 120 doanh nghiệp; 2 lớp huấn luyện cho 200 lao động làm công việc độc hại, nặng nhọc tại doanh nghiệp... Đồng thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ, pháp luật lao động tại 58 doanh nghiệp. Qua kiểm tra đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ công tác ATVSLĐ theo quy định. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSLĐ. Một số doanh nghiệp nhỏ chưa quan tâm đến huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động hoặc tổ chức huấn luyện cho người lao động vẫn mang tính hình thức, tổ chức huấn luyện chưa đúng quy trình, quy định. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm định, khai báo thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nhưng vẫn đưa vào sử dụng hoặc có những thiết bị đã hết hạn kiểm định chưa được kiểm định lại…
Số doanh nghiệp thống kê báo cáo công tác ATVSLĐ và tai nạn lao động rất ít so với thực tế doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp không báo cáo tai nạn lao động (tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nhiều doanh nghiệp có báo cáo nhưng chưa thống kê đầy đủ các số liệu theo quy định.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Để giảm thiểu tai nạn lao động, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp nhằm cải thiện điều kiện lao động để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định hiện hành. Mỗi người lao động cần thực hiện đúng, đủ các quy định ATVSLĐ…
Nguồn: https://baohungyen.vn