KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/09/2023 - Lượt xem: 765
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ

Hiện nay, hơn 25 nghìn héc-ta lúa mùa ở các địa phương trong giai đoạn đông sữa, chắc xanh, chín đỏ đuôi. Thời tiết những ngày qua và dự báo đến cuối vụ có diễn biến bất thường, là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Để phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả, nhân viên phòng nông nghiệp và PTNT, trạm bảo vệ thực vật, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực thăm đồng, điều tra sự phát sinh, mức độ gây hại của sâu bệnh.
Nông dân huyện Ân Thi phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa
Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Tiên Lữ gieo cấy được 3,5 nghìn héc-ta lúa, hiện nay, các trà lúa mùa tiếp tục có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc - vi khuẩn, bệnh khô vằn, sâu đục thân hai chấm. Trước tình hình sâu bệnh hại lúa cuối vụ có xu hướng phát sinh, phát triển mạnh, trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, những diện tích nhiễm sâu bệnh được cán bộ BVTV thông báo cụ thể tới từng địa phương để nông dân chủ động phòng trừ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, nông dân xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) đang phun thuốc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho diện tích lúa của gia đình cho biết: Qua các bản tin thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã về tình hình sâu bệnh gây hại lúa và các biện pháp phòng trừ, tôi và các hộ tích cực thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời cho diện tích lúa nhiễm sâu bệnh. Nông dân trong xã tuân thủ việc phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo hướng dẫn.
Để chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ, ngành chuyên môn và các địa phương trong huyện Kim Động đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại cuối vụ. Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện, bệnh khô vằn; rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn có chiều hướng gây hại gia tăng vào thời điểm cuối vụ. Để hạn chế những thiệt hại, lực lượng chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các loại sâu bệnh, đặc biệt sự phát sinh gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh, các biện pháp kỹ thuật phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao đến các hộ nông dân.
Thời điểm này, trên các trà lúa, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 7 tiếp tục phát sinh và gây hại, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ trên 3.000 con/m2. Diện tích nhiễm 984 héc-ta, trong đó nhiễm nặng 59 héc-ta, nông dân phòng trừ được 863ha. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ trên một số giống lúa nhiễm như Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8… tỉ lệ bệnh nơi cao 7-10% số lá, cá biệt trên 40% số lá. Diện tích nhiễm 338,7ha, trong đó nhiễm nặng 26,5 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được 441 héc-ta. Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở những ruộng gieo cấy dày, ruộng bón phân không cân đối NPK; tỉ lệ bệnh phổ biến 5-7% số dảnh, nơi cao 15-20% số dảnh (cấp 1), cục bộ trên 40% số dảnh. Diện tích nhiễm 6.301 héc-ta, trong đó nhiễm nặng 249 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được 7.160 héc-ta. Sâu đục thân hai chấm lứa 5, sâu non gây hại nhẹ, cục bộ chủ yếu ở một số ruộng bướm dồn; tỉ lệ hại nơi cao 2-3% số bông. Ngoài ra, bệnh đen lép hạt xuất hiện và gây hại nhẹ cục bộ một số ruộng trỗ gặp mưa.
Nông dân huyện Phù Cừ phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa
Trước dự báo sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại đến cuối vụ, các địa phương cần đẩy mạnh khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 7, cần phòng trừ những nơi có mật độ rầy cao trên diện tích lúa ở giai đoạn đông sữa, chắc xanh bằng các thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG, Apta 300WP, Midan 10WP (khi phun không phải rẽ lúa); diện tích lúa đã đỏ đuôi hoặc ruộng lúa xuất hiện rầy từ tuổi 3 trở lên cần phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC (khi phun thuốc nhất thiết phải rẽ lúa thành từng băng và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú để tăng hiệu quả phòng trừ). Chỉ rút nước để trồng cây vụ đông sớm khi kiểm tra ruộng lúa thấy sạch rầy hoặc mật độ rầy thấp không có khả năng gây cháy. Phòng trừ sâu đục thân hai chấm ở những ruộng bướm dồn, diện tích lúa trỗ muộn xuất hiện mật độ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 cần phòng trừ bằng một trong các thuốc đặc hiệu như: Prevathon 5SC, 35WG, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát triển trên diện tích lúa trỗ muộn, đối với các giống nhiễm mới ở giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi cần phun phòng bằng các loại thuốc như Xanthomix 20WP, Totan 200WP, Ychatot 900SP, Lobo 8WP. Ngoài ra, cần nhổ bỏ và tiêu huỷ lúa cỏ để giảm nguồn lây lan cho vụ sau.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan