KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 19/06/2024 - Lượt xem: 298
Phòng tuyến ba lớp trong phòng chống ma túy

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã có phương án phòng tuyến ba lớp chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới của Việt Nam.

Đối tượng Xayyasone Xay (sinh năm 1990), trú tại Làng Saychalon, huyện Viêng Thong, tỉnh Borikhamxay, Lào cùng tang vật vụ án buôn bán ma túy trái phép vào Việt Nam tại cơ quan điều tra tỉnh Nghệ An. (Ảnh: TTXVN phát)

Bài 3: Phòng tuyến ba lớp trong phòng chống ma túy

Trước những diễn biến phức tạp gần đây, Bộ Công an đã có phương án phòng tuyến ba lớp chặn ma túy từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới của Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã nhấn mạnh phương châm này khi trao đổi với phóng viên TTXVN về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” năm 2024.

- Thưa Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, tình hình hoạt động tội phạm ma túy đang hết sức nóng bỏng, đặc biệt là sự xuất hiện của các loại ma túy mới. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang: Tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Ở Khu vực tam giác vàng, các đối tượng tội phạm đang đẩy mạnh việc sản xuất các loại ma túy tổng hợp như Methamphetamine, Ketamin, MDMA.

Các đối tượng đã chuyển tiền chất sang các nước như Myanmar, Lào, Campuchia để sản xuất trái phép chất ma túy và đưa vào Việt Nam để biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy sang nước thứ ba tiêu thụ.

Tại Việt Nam, các đối tượng trong nước đã và đang câu kết, móc nối với các đối tượng tội phạm ở nước ngoài hình thành các đường dây tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài một phần để tiêu thụ trong nước, phần lớn ma tuý còn lại là vận chuyển sang các nước khác. Ngoài ra, xuất hiện các loại ma túy mới núp bóng như "nước vui," "bánh cần" hoặc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tẩm ướp các loại ma túy.

Bên cạnh đó, có nhiều chất ma túy lại không nằm trong danh mục các chất ma túy được quy định trong Nghị định 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Ở đây, các chất này chủ yếu là nhóm cần sa tổng hợp và được giới trẻ rất yêu thích, ưa chuộng vì có hình thức mẫu mã đẹp, mùi vị lạ.

Chính vì vậy, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, các ngành tham mưu Chính phủ để bổ sung, sửa đổi đối với Nghị định 57/2022/NĐ-CP đưa 15 chất ma túy mới mà chưa được quy định trong Nghị định để kiểm soát.

- Đáng lo ngại là các loại ma túy mới này đang xâm nhập vào học đường. Ông có thể chia sẻ những nguy hại, nhận diện, cảnh báo cũng như những giải pháp phòng ngừa?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang: Tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường thời gian gần đây tiềm ẩn nguy cơ rất phức tạp. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện các trường hợp là học sinh, sinh viên sử dụng rồi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, chủ yếu là các loại ma túy thế hệ mới.

Chính vì vậy, ngày 22/1/2024, Bộ Công an cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp số 03/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024 -2030.

Thượng tá Dương Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, cung cấp kiến thức cho học sinh về các loại ma túy. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai chương trình phối hợp này trên địa bàn.

Ở đây chúng tôi cũng phải nói rằng từ thực tiễn công tác đấu tranh, phòng chống ma tuý cho thấy học sinh, sinh viên là những người trẻ, muốn khám phá trong khi hiểu biết xã hội còn hạn chế. Còn ma tuý thế hệ mới có mẫu mã, hình thức rất bắt mắt, mùi vị lạ cho nên nhiều học sinh, sinh viên đã sử dụng ma túy.

Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng hơn 1.700 sinh viên đã sử dụng trái phép chất ma túy và nhiều sinh viên, học sinh đã tham gia vào hoạt động tội phạm về ma túy. Chính vì vậy, để ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường thì trước tiên chúng ta phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến các cấp học, đặc biệt là lứa tuổi từ học sinh phổ thông đến sinh viên.

Chúng ta phải quản lý và hướng dẫn để học sinh, sinh viên biết rằng là tác hại của ma tuý và tội phạm ma túy như thế nào để tránh xa và có biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, đối với các lực lượng chuyên trách đấu tranh, phòng chống ma tuý như Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan phải làm tốt công tác đấu tranh phòng ngừa.

Trong tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và có ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” thì Bộ Công an, đặc biệt là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chỉ đạo Công an các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm và tệ nạn ma túy liên quan đến học đường.

Để ngăn chặn tình trạng ma túy xâm nhập vào học đường thì giữa nhà trường và gia đình phải có sự quan hệ, phối hợp quản lý đối với các em.

Đối với các sinh viên, cần giám sát, quản lý và hướng dẫn các bạn nâng cao nhận thức, tránh xa ma túy và tránh xa tội phạm về ma túy. Đối với gia đình thì phụ huynh học sinh phải theo dõi, quản lý con em mình và phát hiện những biểu hiện bất thường của con em để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, tránh để việc các em bị lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy.

- Thời gian gần đây dường như tội phạm đang gia tăng vận chuyển trái phép ma tuý và thực hiện ý đồ muốn biến Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng đáng ngại này?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang: Không chỉ đường hàng không, các đối tượng tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đang muốn đưa ma túy vào Việt Nam qua cả tuyến đường bộ, tuyến đường biển.

Thời gian gần đây còn xuất hiện tội phạm ma túy trên không gian mạng. Tình hình đang diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, do chúng ta và các nước tổ chức đấu tranh mạnh trên tuyến đường bộ và tuyến đường hàng không, các đối tượng đã thay đổi phương thức, chuyển sang hướng vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua liên tiếp xuất hiện các vụ ma túy trôi dạt trên biển và các lực lượng chức năng cũng đã và đang điều tra, đấu tranh, phòng ngừa để xử lý đối với hình thức tội phạm này.

- Năm 2024, chúng ta sẽ tập trung vào những biện pháp đấu tranh nào với ma tuý và tội phạm về ma tuý, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các lực lượng và phối hợp với Công an các tỉnh mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong tháng 6 là “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.”

Các lực lượng sẽ phối hợp, tập trung đấu tranh, bắt giữ, xử lý các tổ chức, đường dây tội phạm mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Đặc biệt, Bộ Công an đã có phương án phòng thủ ba lớp. Lớp thứ nhất là phía trước biên giới, lớp thứ 2 thuộc khu vực biên giới và lớp thứ 3 trong nội địa. Phương án này là theo nguyên lý ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới của Việt Nam.

Còn trong nội địa tập trung rà soát để xử lý các đối tượng, các tổ chức mua bán trái phép chất ma túy.

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy cũng phối hợp với các lực lượng chức năng, chuyên trách về phòng, chống ma túy như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tập trung điều tra, bắt giữ, xử lý các đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy.

Đặc biệt là phối hợp với Cảnh sát Interpol, cảnh sát và các cơ quan phòng, chống ma túy các nước và gần nhất là phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước bạn như Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan để tập trung đánh, ngăn chặn các đường dây sản xuất trái phép chất ma túy, vận chuyển tiền chất để nhằm mục đích sản xuất trái phép chất ma túy ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ở trong nước, lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy.

Vì vậy thời gian gần đây, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy và công an các đơn vị, địa phương và các lực lượng như Bộ đội biên phòng, Hải quan đã điều tra, bóc gỡ, thu giữ số lượng lớn ma túy, bắt được nhiều đối tượng chủ mưu cầm đầu với phương châm không chỉ đánh khúc giữa, mà đánh tất cả, bóc gỡ tất cả các đối tượng chủ mưu, đối tượng cầm đầu, đối tượng vận chuyển, đối tượng tiêu thụ.

Trong thực hiện phương châm chặt đứt nguồn cung và giảm nguồn cầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với các đơn vị như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, không làm gia tăng số người nghiện ma túy mới; kiên quyết không để những người này tiếp tục tham gia vào việc sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Bài 1: Nỗi lo “vòi bạch tuộc” ma túy xâm nhập học đường
Bài 2: Hiệp đồng "gác cổng" quốc gia

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan