Theo chuyên gia Trung Quốc, trước thách thức, cơ hội kinh doanh mới, sức sống mới, triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ rộng mở hơn và chắc chắn sẽ có nhiều không gian phát triển.
Doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin tại Hội nghị Doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam-Trung Quốc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc (18/1/1950-18/1/2025), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hứa Ninh Ninh khẳng định trong thời gian qua, quan hệ giữa hai nước đã đạt được nhiều thành quả nổi bật.
Ông đồng thời cho rằng trong thời gian tới, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác to lớn trên các lĩnh vực.
Đánh giá về quan hệ giữa song phương trong 75 năm qua, ông Hứa Ninh Ninh cho biết hai nước Trung Quốc-Việt Nam có vị trí địa lý núi liền núi, sông liền sông, văn hóa tương thông, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Nền tảng của tình hữu nghị này là do chính các nhà lãnh đạo tiền bối như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và vun đắp.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, hai nhà lãnh đạo đã kết nên tình cảm đặc biệt “vừa là đồng chí vừa là anh em," đây cũng là nền tảng vững chắc của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Tình hữu nghị này, không chỉ thể hiện ở sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị, mà còn ở sự giao lưu và hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục... đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển không ngừng của quan hệ song phương.
75 năm qua, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng vẫn luôn giữ được đà phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, kể từ khi bình thường hóa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước vào năm 1991, lãnh đạo cấp cao hai nước đã duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên, giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực không ngừng được tăng cường. Quan hệ song phương đã đạt được nhiều thành quả nổi bật. Trong lĩnh vực chính trị, hai nước luôn kiên trì tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng ứng phó với các vấn đề khu vực và thách thức toàn cầu.
Trong lĩnh vực kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng hàng năm. Hợp tác đầu tư ngày càng sâu sắc và các dự án hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp đang được đẩy mạnh ổn định. Kết quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại rất nổi bật. Trung Quốc nhiều năm liền trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Trong lĩnh vực văn hóa, hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng diễn ra thường xuyên, sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng được nâng cao.
Ông Hứa Ninh Ninh. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)
Về triển vọng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, ông Hứa Ninh Ninh cho biết hai nước có tiềm năng hợp tác to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Trước hết, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại chắc chắn là phần năng động nhất trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Cùng với việc thực hiện sâu rộng RCEP, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thị trường rộng lớn và nguồn lực dồi dào. Trong khi đó, với tư cách là một nền kinh tế thị trường mới nổi, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, ngành sản xuất phát triển nhanh chóng, hai nước có sự bổ sung mạnh mẽ trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Hai nước Trung Quốc-Việt Nam luôn duy trì trao đổi mật thiết về mặt thương mại nông sản và có tính bổ trợ lẫn nhau rất mạnh. Thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc cung cấp không gian tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như trái cây, càphê, thủy sản của Việt Nam, trong khi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc trong công nghệ nông nghiệp, thiết bị máy móc nông nghiệp, nghiên cứu phát triển trồng trọt, đất nông nghiệp, thủy lợi… cũng có thể giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản, thực hiện hiện đại hóa ngành nông nghiệp.
Thứ hai, khoa học công nghệ và kinh tế số sẽ trở thành lĩnh vực mới cho hợp tác Trung Quốc-Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến như truyền thông 5G, Trí tuệ Nhân tạo (AI), nghiên cứu và phát triển công nghệ số, dữ liệu lớn, năng lượng mới…
Về phần mình, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của mình. Hai nước có thể triển khai hợp tác sâu sắc về nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân tài... Ví dụ, hai bên cùng nhau khám phá các kịch bản ứng dụng 5G, thúc đẩy xây dựng Internet công nghiệp, cùng nhau thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ kỹ thuật số, góp phần chuyển đổi kỹ thuật số các ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam. Trong lĩnh vực năng lượng mới, hai bên có thể hợp tác về năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, góp phần phát triển carbon thấp xanh.
Ngoài ra, hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa thực tế rất quan trọng đối với hai nước và có triển vọng rộng lớn. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh với nhu cầu mạnh về cơ sở hạ tầng như giao thông, năng lượng, xây dựng đô thị... Trung Quốc có công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm phong phú và năng lực xây dựng kỹ thuật mạnh mẽ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.
Hai bên có thể cùng nhau hợp tác thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, cảng biển của Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa kết nối giữa hai nước, thúc đẩy trao đổi thương mại và giao lưu nhân dân, tối ưu hóa môi trường đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Trưởng đoàn các nước ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TXVN)
Đánh giá về sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, ông Hứa Ninh Ninh khẳng định Trung Quốc và Việt Nam luôn duy trì trao đổi và hợp tác chặt chẽ, cùng cam kết duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, thúc đẩy trật tự quốc tế phát triển theo hướng công bằng và hợp lý hơn.
Trung Quốc và Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế như ASEAN, hợp tác Mekong-Lan Thương, xử lý các bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương. Sự phối hợp và hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề khu vực không chỉ giúp tăng cường lòng tin lẫn nhau giữa hai bên, mà còn là điển hình trong việc thúc đẩy phát triển, đạt được thịnh vượng và ổn định trong khu vực.
Trung Quốc và Việt Nam cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Hai bên tích cực tham gia thảo luận và xây dựng quy định về tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi đầu tư, cùng nhau ứng phó với những thách thức kinh tế toàn cầu.
Trong quá trình thực hiện RCEP, hai nước đã thúc đẩy sự thịnh vượng hơn nữa của thương mại song phương bằng cách phối hợp các biện pháp cụ thể như nhượng bộ thuế quan và quy tắc xuất xứ. Động thái này không chỉ có lợi cho việc mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ở cả hai nước, mà còn thúc đẩy việc tối ưu hóa và nâng cấp chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường khả năng phục hồi và sức sống của nền kinh tế khu vực.
Là người có thời gian hơn 30 năm làm việc liên quan đến hợp tác kinh tế-thương mại Trung Quốc-Việt Nam, ông Hứa Ninh Ninh rất vui mừng trước những thành quả rực rỡ thu được trong hợp tác song phương. Ông cũng cảm nhận sâu sắc tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam không dễ gì có được, do đó theo ông, hai nước cần phải trân trọng và giữ gìn.
Ông Hứa Ninh Ninh khẳng định: “Trước những thách thức mới, cơ hội kinh doanh mới và sức sống mới, triển vọng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ rộng mở hơn và chắc chắn sẽ có nhiều không gian phát triển hơn”./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/