KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 04/07/2023 - Lượt xem: 1272
Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Hiện nay, 100% nhà máy sử dụng nước mặt làm nguồn nước đầu vào để xử lý thành nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều đang sử dụng nước thô từ sông Hồng, sông Luộc. Công ty cổ phần nước sạch Phù Tiên (xã Cương Chính, Tiên Lữ) đang quản lý 30 ki lô mét đường ống dẫn truyền tải nước, cung ứng nước sạch phục vụ người dùng nước tại 2 huyện Tiên Lữ và Phù Cừ. Nguồn nước được cấp xử lý lấy từ nước mặt sông Luộc với tổng công suất 5 nghìn mét khối/ngày đêm. Ông Phạm Văn Huấn, phụ trách nhà máy xử lý nước của công ty cho biết: Công ty đang sử dụng công nghệ xử lý nước của Nhật Bản, nguồn nước thô sau khi thu về các bể lắng, bể lọc… bảo đảm các công đoạn xử lý thô, xử lý công nghệ cao để có sản phẩm nước sinh hoạt đạt quy chuẩn cấp cho người sử dụng. Từ khi đi vào vận hành, nguồn nước từ sông Luộc khá ổn định, chất lượng nước thô tốt, dồi dào.

Khai thác tài nguyên nước mặt sông Hồng để xử lý thành nước sinh hoạt tại huyện Kim Động
Bên cạnh nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm trong tỉnh cũng được sử dụng nhiều cho sản xuất và dân sinh như: Khai thác phục vụ sản xuất nước uống, phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp… Tuy nhiên, những năm gần đây, tài nguyên nước ngầm, nước mặt ở một số khu vực trong tỉnh đang bị ô nhiễm, giảm trữ lượng. Sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh là nguồn cấp nước chính cho hệ thống nước mặt, có xu hướng ngày càng hạ thấp, trong khi lượng chất thải xả vào sông có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu quan trắc của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, 5 năm trở lại đây, mặc dù nước sông Hồng vẫn bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất, tuy nhiên, vào những thời điểm mực nước sông Hồng xuống thấp, nước thải gia tăng, một số chỉ tiêu như SS (chất rắn lơ lửng), COD, NH4+, NO2-, Coliform vượt quy chuẩn cho phép. Tại một số khu vực, nước ngầm có biểu hiện suy giảm.
Theo Quyết định số 2399/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước mặt tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, phân bổ nguồn nước mặt giai đoạn quy hoạch đến năm 2025 là 615,87 triệu mét khối/năm. Trong đó, chủ yếu phục vụ nông nghiệp khoảng hơn 400 triệu mét khối/năm, phục vụ công nghiệp gần 64 triệu mét khối/năm, phục vụ sinh hoạt gần 4,5 triệu mét khối/năm, còn lại là các ngành khác.
Hiện nay, đối với các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước sẽ chịu sự giám sát của ngành chức năng khi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo 2 hình thức: Giám sát định kỳ và giám sát tự động trực tuyến tùy theo lưu lượng được cấp phép. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiện nay, việc khai thác, sử dụng nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân không gây cạn kiệt nguồn nước, vẫn duy trì khả năng phục hồi của nguồn nước. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, trữ lượng khai thác nước ngầm tại một số khu vực trong tỉnh sẽ tiệm cận với tổng trữ lượng có thể khai thác.
Theo diễn biến mực nước được phân tích, đánh giá từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 10 năm 2022 thuộc mạng lưới quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường và tài liệu thu thập được từ các công trình quan trắc tỉnh thuộc mạng lưới quan trắc quốc gia, mực nước tầng qh (tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocene) và qp (tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocene) là gần trùng nhau và đang có xu thế hạ. Tính toán từ năm 2010 đến nay, tốc độ mực nước ngầm hạ thấp tại khu vực thị xã Mỹ Hào là 0,31 mét/năm, khu vực huyện Khoái Châu là 0,24 mét/năm.
Để quản lý tài nguyên nước, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, phục vụ quản lý khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của tỉnh với 26 công trình quan trắc tài nguyên nước, trong đó 23 công trình quan trắc nước dưới đất và 3 điểm quan trắc tài nguyên nước mặt. Sở đã hoàn thành xây dựng danh mục nguồn nước nội tỉnh (nguồn nước mặt), danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, gửi dự thảo xin ý kiến tới các cấp, ngành trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Trong năm nay, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục tổ chức rà soát hồ, ao, đầm, không san lấp trên địa bàn, đối chiếu với Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và bản đồ địa chính để chuẩn hóa lại tên, vị trí, diện tích ao, hồ, đầm.
Đồng chí Nguyễn Đức Kiền, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian tới, sở tăng cường phối hợp với đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thực hiện pháp luật về tài nguyên nước, tích cực hướng dẫn lắp đặt, quản lý, vận hành thiết bị giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trong toàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tài nguyên nước với lượng nước lớn đều phải lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tự động lưu lượng, mực nước và kết nối trực tuyến với hệ thống của ngành Tài nguyên và Môi trường. Sở cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xả thải vào nguồn nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy, hành lang thoát lũ và bảo vệ các nguồn nước quan trọng, khắc phục ô nhiễm tài nguyên nước trên các lưu vực sông, khai thác nước đi đôi với bảo vệ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan