Tỉnh Hưng Yên có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Do đó, việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ thể để xây dựng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, đẩy mạnh quảng bá, bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch.
Xã Xuân Quan (Văn Giang) thu hút đông đảo du khách tới tham quan,
chụp ảnh với hoa, cây cảnh
Xã Xuân Quan (Văn Giang) được ví như “thủ phủ” hoa của miền Bắc với mùa nào hoa nấy. Các sản phẩm hoa, cây cảnh của xã đa dạng chủng loại, giá cả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2022, sản phẩm hoa dạ yến thảo giỏ treo của xã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh, xã còn thu hút đông đảo du khách ở khu vực thành phố Hà Nội, cư dân sinh sống tại các khu đô thị trên địa bàn huyện tới tham quan, chụp ảnh “check in” ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Ông Nguyễn Văn Thơm, xã Xuân Quan chia sẻ: Một số trường học ở thành phố Hà Nội liên hệ với chúng tôi để đưa học sinh tới vườn tham quan, trải nghiệm hoạt động làm vườn, trồng hoa. Tuy nhiên, nhà vườn mới chỉ tập trung sản xuất hoa, cây cảnh, chưa đầu tư hạ tầng, điều kiện để kinh doanh dịch vụ trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù chưa phát triển du lịch trải nghiệm một cách bài bản nhưng hằng năm, xã Xuân Quan nói riêng và huyện Văn Giang nói chung thu hút lượng lớn du khách về tham quan các di tích văn hóa, lịch sử; mua sắm hoa, cây cảnh và trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang cho biết: Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thời gian tới, phòng tham mưu với UBND huyện đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, khuyến khích phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, ưu tiên quảng bá, tiêu thụ nông sản tại địa phương… Cùng với đó, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cần đổi mới tư duy sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, đa dạng các kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…
Hằng năm, vào mùa thu hoạch nhãn, HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) lại thu hút đông du khách về tham quan, trải nghiệm dịch vụ thu hoạch nhãn. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng chia sẻ: Hiện nay, sản phẩm nhãn hương chi của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Hằng năm, HTX thu hút nhiều đoàn khách tới vườn tham quan, trải nghiệm hoạt động thu hoạch nhãn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí tại vườn. Nếu có nhu cầu đặt hàng, chúng tôi sẽ cắt nhãn và cân ngay tại vườn. Do không thu phí nên việc bán sản phẩm vẫn là nguồn thu chính của HTX. Mục đích chủ yếu của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng ở trong và ngoài nước.
Xã Xuân Quan (Văn Giang) thu hút đông đảo du khách tới tham quan,
chụp ảnh với hoa, cây cảnh
Hưng Yên có tiềm năng để xây dựng và liên kết các tour, tuyến du lịch nông nghiệp từ phương thức canh tác độc đáo, đa dạng. Điển hình như trồng, thu hoạch, chế biến sản phẩm từ cây nhãn, cam ở các huyện: Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; sản xuất hoa, cây cảnh ở các địa phương: Văn Giang, Khoái Châu... Người dân bản địa luôn thân thiện, nhiệt tình, mến khách, khiến du khách ấn tượng. Đây là cơ hội lớn cho các địa phương phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch được công nhận. Khó khăn của việc phát triển sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch được xác định là quy mô sản xuất sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông nghiệp còn nhỏ, chủ thể chưa có năng lực quản trị, còn thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển theo chuỗi, chưa quan tâm, chú trọng giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch để cung cấp cho du khách nên chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong sáu nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp bền vững giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch, thời gian tới, các chủ thể cần chủ động đăng ký phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái hoặc du lịch khám phá. Các ngành chức năng của tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Với các địa điểm du lịch, cần xây dựng những gian hàng OCOP tại các khuôn viên, bảo đảm không được phá vỡ cấu trúc, không ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn. Nhân viên bán sản phẩm OCOP tại điểm du lịch cần được đào tạo và quảng bá, tuyên truyền thông tin sản phẩm OCOP đến với khách hàng thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại, ban quản lý các điểm du lịch cần đưa ra chính sách hợp lý để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường…
Nguồn: https://baohungyen.vn