Những năm gần đây, việc triển khai thực hiện các dự án đô thị trong tỉnh ngày càng phù hợp với định hướng quy hoạch, cơ bản đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra, hình thành, phát triển các không gian đô thị lớn. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đến nay, tốc độ đô thị hóa của tỉnh cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Là địa bàn có tốc độ đô thị hoá mạnh, huyện Văn Giang tập trung cao cho công tác quy hoạch phát triển đô thị, phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 86/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch chung đô thị Văn Giang đến năm 2040. Theo đó, đô thị Văn Giang được phê duyệt lập quy hoạch là trung tâm kinh tế, là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước với quy mô diện tích lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Văn Giang (trên 7,1 nghìn héc-ta). Quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 363 nghìn người. Quy mô đất xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 5.657 héc-ta.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã phủ kín công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng huyện và quy hoạch chung các đô thị theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cảnh quan thành phố Hưng Yên
Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025, tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 48%, đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60%. Về quy mô đô thị giai đoạn đến năm 2030, dự kiến toàn tỉnh có 19 đô thị. Năm 2023, tỉ lệ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh đạt 45%.
Tuy nhiên, hiện nay diện tích tự nhiên của 2 đô thị là thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào đều chưa đạt 50% theo quy định. Trong đó, thành phố Hưng Yên có diện tích 73,86km2, trong khi tiêu chuẩn quy định đối với thành phố là 150km2; thị xã Mỹ Hào hiện có diện tích tự nhiên 79,83km2, trong khi quy định tiêu chuẩn của một thị xã là 200km2. Để khắc phục những tồn tại này, tỉnh đã xác định phân kỳ thực hiện quy hoạch phát triển đô thị cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, có 5 thành phố, 2 thị xã và 3 huyện. Quy hoạch xây dựng vùng lõi, không gian đô thị xanh của tỉnh tại thành phố Hưng Yên, các huyện Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang. Đến năm 2037, tỉnh Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị loại I) có 3 quận, 4 thành phố, 3 thị xã. Đến năm 2050, thành phố Hưng Yên trực thuộc Trung ương có 8 quận và 2 thị xã. Mục tiêu trước mắt đến năm 2025 là công nhận khu vực của 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV; 2 khu vực 2 xã Thọ Vinh, Phú Thịnh (Kim Động) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đánh giá chung, tiến độ công tác lập quy hoạch, lập chương trình và thực hiện chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị, khu vực phát triển đô thị trong tỉnh còn chậm. Cụ thể như: Mục tiêu đến năm 2025 phải công nhận khu vực của 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV; các khu vực của 2 xã Thọ Vinh, Phú Thịnh (Kim Động) đạt tiêu chí đô thị loại V. Tuy nhiên, đến nay các khu vực này mới có quy hoạch chung thị trấn huyện lỵ và quy hoạch xây dựng vùng huyện, chưa có quy hoạch chung đô thị. Mặt khác, công tác quy hoạch, phát triển đô thị chưa gắn liền với công tác quy hoạch đơn vị hành chính đô thị; chưa thành lập được các đơn vị hành chính đô thị đối với các khu vực được công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị.
Ngoài ra, còn một số khó khăn khách quan như: các Đồ án quy hoạch đô thị Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và được lập trên cơ sở quy hoạch quốc gia về hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch này hiện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian tới, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, chú trọng quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, khu chức năng; rà soát, lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng bảo đảm các tiêu chí theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh; tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu nhằm đạt đủ tiêu chuẩn công nhận các đô thị từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo bảo đảm theo lộ trình phát triển đô thị của tỉnh. Đồng chí Cao Thế Hanh, Trưởng phòng Quy hoạch – Kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: Sở tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị chuyên môn hướng dẫn công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị, bảo đảm việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch trong tỉnh phù hợp theo quy định. Thường xuyên cập nhật các thông tin về đồ án quy hoạch được duyệt, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị.
Ngày 21/5/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về việc “Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị”. Theo đó, xác định các yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm, đề ra giải pháp để các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch hành động cụ thể; tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa các quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn của địa phương nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Hướng dẫn triển khai lập đồng bộ các quy hoạch đô thị; đôn đốc các cơ quan, tổ chức khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định. Tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; không cấp phép công trình cao tầng tại các trung tâm đô thị trái với quy hoạch đã được phê duyệt. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quy hoạch đô thị. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch đô thị của tổ chức và công dân…
Nguồn: https://baohungyen.vn