KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Quốc phòng - An Ninh
Đăng ngày: 23/05/2023 - Lượt xem: 473
Ranh giới

Đứng trước bục xét hỏi tại tòa án là hai bị cáo, người 44 tuổi, người 58 tuổi, trong đó một người từng là bí thư chi bộ thôn, người còn lại từng là phó trưởng thôn. Nhìn nét mặt u buồn, khắc khổ, lo lắng… của các bị cáo, chợt nghĩ “Ranh giới giữa công và tội thật mong manh”.

Các bị cáo nghe toà tuyên án
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2015, UBND xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào) bàn giao diện tích đất theo quy hoạch (đất công ích, thuộc loại đất trồng cây hằng năm do UBND xã quản lý) cho thôn Bến để san lấp mặt bằng và sử dụng làm sân thể thao, nhà văn hóa. Năm 2016, một số hộ dân tiến hành san lấp khu đất giãn dân (đã trúng thầu từ trước) ở vị trí giáp với khu đất đã được quy hoạch sân thể thao, nhà văn hóa của thôn. Do có phản ánh về việc lấn chiếm và xuất phát từ nhu cầu thực tế cần san lấp, xây dựng sân thể thao, nhà văn hóa của thôn để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới tại xã Bạch Sam, Đỗ Xuân Quyến (sinh năm 1979, khi đó là Bí thư chi bộ thôn Bến) và Nhân dân trong thôn đã đề nghị ông Đào Văn Thuy (sinh năm 1961, đã mất năm 2021), khi đó là Trưởng thôn Bến tổ chức họp Quân - Dân - Chính - Đảng thôn và họp dân công khai để có biện pháp ngăn chặn việc lấn chiếm đất quy hoạch sân thể thao, nhà văn hóa đã được UBND xã Bạch Sam giao quản lý. Bước đầu vận động nguồn xã hội hóa từ Nhân dân để có nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa và sân thể thao, song do nguồn kinh phí lớn nên Nhân dân không đồng ý đóng góp. Để giải quyết vấn đề, ông Thuy (Trưởng thôn) đã bàn bạc với Đỗ Xuân Quyến (Bí thư chi bộ) và Đào Văn Chiến (sinh năm 1965, Phó Trưởng thôn) cùng các thành viên Ban Quân - Dân - Chính, thống nhất chủ trương đổi đất lấy công trình (trả chi phí san lấp bằng một phần diện tích đất tại khu vực san lấp), sau đó thống nhất thuê nhà thầu là doanh nghiệp tư nhân Thuân Hải (viết tắt là doanh nghiệp Thuân Hải), có địa chỉ tại xã Bạch Sam tiến hành san lấp. Hai bên đã ký hợp đồng khoán gọn đề năm 2016 (không ghi ngày, tháng, số hợp đồng). Sau khi hoàn thành san lấp, doanh nghiệp Thuân Hải đã nhận 1100m2 đất từ thôn Bến theo thỏa thuận, sau đó doanh nghiệp Thuân Hải đã chuyển nhượng lại cho 6 hộ dân có hộ khẩu thường trú tại thôn Bến, xã Bạch Sam... Từ vi phạm của đội ngũ lãnh đạo thôn Bến đã gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước tại thời điểm năm 2016 là 72 triệu 600 nghìn đồng. Hành vi của các bị can Đỗ Xuân Quyến và Đào Văn Chiến đã phạm vào tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ, quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Hình sự năm 2015. Riêng ông Đào Văn Thuy (Trưởng thôn) đã mất năm 2021 nên không xem xét xử lý.
Tại phiên tòa ngày 9/5/2023 do TAND tỉnh tổ chức xét xử, các bị cáo đều khai nhận, thời điểm đó nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, một phần cũng mong muốn có hành động quyết liệt để ngăn chặn việc lấn chiếm đất công của một số hộ dân, đồng thời là phương án tạo nguồn kinh phí từ cơ chế đổi đất lấy hạ tầng để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ Nhân dân nên vô ý vi phạm chứ không cố tình vì mưu lợi cá nhân. 
Tại tòa, ông Nguyễn Duy Khương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bạch Sam (thời điểm năm 2016) thừa nhận, có biết việc thôn Bến tổ chức thuê thầu san lấp để xây dựng nhà văn hóa và sân thể thao, song thời điểm đó phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra sôi nổi, việc làm của cán bộ thôn Bến cũng là vì lợi ích của Nhân dân nên cũng không để tâm, đến khi vụ việc bị điều tra mới nhận thức được rằng việc làm đó của cán bộ thôn Bến là vượt thẩm quyền, vi phạm pháp luật. Cũng như ông Khương, ông Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã, Đảng ủy viên phụ trách thôn Bến cho biết, hằng tháng tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn, song không thấy chi bộ, ban chi ủy báo cáo việc thuê thầu san lấp, tuy nhiên ông vẫn biết có việc đó, nhưng vì thấy việc đó có lợi cho dân nên không có ý kiến gì. Cả ông Khương và ông Nghĩa đều thừa nhận thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc cán bộ thôn Bến tổ chức thuê thầu san lấp và trả kinh phí bằng một phần đất công trái thẩm quyền.
Có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Phạm Hữu Nghĩa, ông Đào Trọng Điểm, gia đình bà Lê Thị Huyền Trang (những người mua đất từ doanh nghiệp Thuân Hải), đều cho rằng, xuất phát từ nhu cầu có đất để làm nhà ở và sản xuất, kinh doanh nên đã mua lại đất của doanh nghiệp Thuân Hải mà không biết rằng nguồn gốc đất đó liên quan đến vi phạm của lãnh đạo thôn, do đó chỉ mong cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền xem xét, bảo đảm quyền lợi.
Xét các tình tiết vụ án, kết quả điều tra, các quy định của pháp luật, đồng thời cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ và thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải của các bị cáo trong quá trình điều tra và xét hỏi tại tòa; Nhân dân thôn Bến cũng đã có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Xuân Quyến 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Đào Văn Chiến 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo; các bị cáo không phải chịu hình phạt bổ sung nào khác. Đồng thời Chủ toạ phiên tòa cũng tuyên truyền, nhắc nhở những tập thể, cá nhân có trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý, rút kinh nghiệm để tránh vi phạm trong các vụ việc tương tự.
Vụ án khép lại thể hiện sự nghiêm minh, tính khoan hồng của pháp luật, nhưng cũng để lại nhiều tâm trạng day dứt, tiếc nuối và là bài học sâu sắc không chỉ cho các bị cáo mà còn là bài học kinh nghiệm cho những người đang “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở các thôn, tổ dân phố. Vì lợi ích tập thể, lợi ích của Nhân dân… song vì thiếu hiểu biết pháp luật; thiếu sự sát sao quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp trên nên từ những người có uy tín, trách nhiệm tại địa phương lại trở thành người phạm tội, phải chấp hành hình phạt của pháp luật. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan