“Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn. Đồng chí đã có công gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng và liên tỉnh B, bao gồm các tỉnh miền Duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên; khôi phục Xứ ủy Bắc kỳ cuối năm 1936. Trong những năm bị địch bắt giam, đồng chí Tô Hiệu đã góp phần rất quan trọng biến nhà tù Sơn La thành trường học, đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng, cho cách mạng”. Đánh giá về đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết như vậy.
Hy sinh ở tuổi 32, nhưng những cống hiến cho cách mạng của đồng chí Tô Hiệu thật to lớn. Đồng chí là tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng chói sáng. Tấm gương và “Tinh thần Tô Hiệu” không chỉ thể hiện ở lòng yêu nước, phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân; vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc mà còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn còn đó, xanh tươi như một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù cộng sản…
Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tô Hiệu, chúng tôi càng thêm tự hào về người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Hai lần bị địch bắt và đày ải ở nhà tù Côn Đảo và nhà tù Sơn La, ý chí kiên cường càng được hun đúc, luyện rèn. Thời gian bị đày ra Côn Đảo, tuy bị lao phổi, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Tại đây, theo sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Tô Hiệu tích cực tham gia các hoạt động trong nhà tù và không ngừng học tập, rèn luyện bản thân. Cũng tại đây, Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương khi 20 tuổi.
Khi bị giam cầm ở nhà tù Sơn La, dù bị đói rét và bệnh lao hành hạ, đồng chí Tô Hiệu vẫn giữ vững ý chí chiến đấu. Đồng chí đã không ngừng làm việc, viết các bài tuyên truyền, lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù. Tại đây, được bầu làm Bí thư Chi bộ Nhà tù, đồng chí vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù (vì lúc ấy, tù chính trị ở Sơn La còn có cả những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng). Đồng chí đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù, đời sống trong tù được tổ chức rất quy mô và khoa học. Ủy ban Nhà tù được thành lập để lãnh đạo mọi mặt. Ủy ban Nhà tù lại tổ chức ra các ban và xuất bản báo Suối Reo… để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em tù nhân, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng. Sau này, nhiều chiến sĩ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội…
Ngay cả khi sức khỏe đã cùng kiệt, đồng chí Tô Hiệu vẫn là và mãi là một chỗ dựa tinh thần, một ý chí để cổ vũ, động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, giữ vững chí khí đấu tranh và quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng cộng sản. Trước khi đi xa, đồng chí đã dặn lại các đồng chí của mình: “Ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”…
Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp của quá trình vận động phong trào cách mạng trước sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp mới thấy hết vai trò tiên phong, tài năng tổ chức và những cống hiến to lớn trong tổ chức xây dựng Đảng và xây dựng phong trào cách mạng ở nước ta của đồng chí Tô Hiệu. Lịch sử ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Tô Hiệu. Tinh thần Tô Hiệu là một nguồn động lực cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản, góp phần đưa tới thành công của sự nghiệp cách mạng.
Trao học bổng Tô Hiệu tặng học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại Huyện Văn Giang
Ngày nay, nhiều đường phố, trường học... mang tên Tô Hiệu ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại xã Nghĩa Trụ, quê hương đồng chí Tô Hiệu, Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, ngôi trường do đồng chí Tô Hiệu đứng ra tổ chức xây dựng đã được đổi tên thành Trường tiểu học Tô Hiệu. Qua thời gian, tinh thần Tô Hiệu vẫn còn mãi trong trái tim của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh của nhà trường. Trường tiểu học Tô Hiệu ngày càng khang trang, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên...
Một góc khu đô thị sinh thái Dream city thuộc xã Nghĩa Trụ (Văn Giang)
Đối với tỉnh Hưng Yên, ngoài những ảnh hưởng tốt đẹp của tinh thần Tô Hiệu trong công tác giáo dục truyền thống, những di sản cách mạng của đồng chí để lại cũng góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ, xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh... Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ được củng cố, tăng cường; trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao... Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh... Kinh tế – xã hội ngày càng phát triển. Năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên là top 1 trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thu ngân sách nhà nước lớn nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất. Đặc biệt là, xếp hạng quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Hưng Yên vươn lên vị trí thứ 16/63, vượt qua cả một số thành phố trực thuộc Trung ương. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, nông thôn được đầu tư đồng bộ với số lượng dự án và quy mô lớn nhất từ trước tới nay... Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Nguồn: https://baohungyen.vn