KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 23/05/2024 - Lượt xem: 143
Sắp xếp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19), thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) và từng bước giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL.

Thời gian qua, căn cứ các quy định của Nhà nước, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu với tỉnh sắp xếp ĐVSNCL theo nguyên tắc: Cơ cấu lại hoặc giải thể ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả. Một ĐVSNCL cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Hạn chế thành lập ĐVSNCL, trường hợp cần thiết thành lập mới ĐVSNCL thì đơn vị đó phải tự bảo đảm tài chính, trừ ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu… Kết quả, từ năm 2018 đến hết năm 2022, toàn tỉnh sắp xếp, sáp nhập, giải thể được 57 ĐVSNCL, giảm còn 591 ĐVSNCL. Năm 2023, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu với tỉnh và đôn đốc UBND cấp huyện sắp xếp  giảm 27 ĐVSNCL. Cùng với sắp xếp ĐVSNCL, tỉnh và các địa phương từng bước giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL, tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, ĐVSNCL và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; từng bước giảm chi ngân sách.
Các cơ sở y tế trong tỉnh đang dần nâng mức tự chủ về tài chính
Trong ảnh: Giờ làm việc của cán bộ Trung tâm y tế Kim Động
Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, từ tháng 6/2021, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hợp nhất Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ với Trung tâm Thông tin, thống kê khoa học và công nghệ thành Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ; bố trí Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đổi mới mô hình hoạt động, đến nay, 2 trung tâm đã chủ động sắp xếp nhân sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay, Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ tự chủ 10% - 30%. Riêng Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tự bảo đảm chi thường xuyên đạt trên 61,6%.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện sắp xếp ĐVSNCL còn hạn chế, vướng mắc như: Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các ĐVSNCL chưa gắn với đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ về tài chính. Nguồn thu từ dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị ít và tăng trưởng chậm. Một số ĐVSNCL hoạt động chưa hiệu quả, trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp từ ngân sách. Đến nay, mới có 11 sở, ngành tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; 4 sở gồm: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; các đơn vị có ĐVSNCL còn lại chưa tham mưu được do các bộ chủ quản chưa có hướng dẫn hoặc chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.
Ngày 22/3/2024, trên cơ sở đánh giá kết quả, thực trạng sắp xếp và giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về tự chủ tài chính của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ đến hết năm 2024, các đơn vị: Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) chủ động, tích cực khai thác các nguồn thu hợp pháp để nâng mức độ tự chủ sang tự bảo đảm chi thường xuyên. Các sở liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp các ĐVSNCL không nâng mức tự chủ bảo đảm chi thường xuyên, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị theo quy định… Trên cơ sở giá dịch vụ sự nghiệp công đã được ban hành, UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cơ quan quản lý trực thuộc được uỷ quyền đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; từ đó, thực hiện chuyển 98 đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện là ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (mức 10% - 30%) và ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sang ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên.
Sắp xếp và giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL là một quá trình khó khăn, nhưng cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy tối đa sự chủ động, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, viên chức và thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 209-KH/TU ngày 7/7/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 đến năm 2026. Để thực hiện đạt kết quả các mục tiêu đã đề ra đòi hỏi các cấp, ngành… tăng cường tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, của tỉnh về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu ĐVSNCL và người đứng đầu cơ quan chủ quản với kết quả thực hiện tự chủ về tài chính trong từng sở, ngành, địa phương. Thúc đẩy xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Các ĐVSNCL cần chủ động tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ nhằm tăng nguồn thu để nâng cao mức độ tự chủ về tài chính theo quy định. Thực hiện nghiêm các quy định về giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của ĐVSNCL, đặc biệt là việc thực hiện chế độ tài chính; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan