Ngày 19/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) bằng hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Ngọc Quỳnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy dự tại Hội nghị điểm cầu Trung ương.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Thế Cử, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Quách Thị Hương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Đại tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh.
Ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Ngay sau đó, Ban Nội chính Trung ương đã khẩn trương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tạo thuận lợi cho các Tỉnh ủy, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo. Sau 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao, khẩn trương triển khai các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; kế thừa, phát huy, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm được rút ra qua tổng kết 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Nhất là đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó, dư luận xã hội bức xúc để tập trung chỉ đạo giải quyết; vừa tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trước đây, quá trình xử lý kéo dài, có khó khăn, vướng mắc; vừa chỉ đạo đẩy mạnh phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc mới nảy sinh; vừa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào nền nếp, thực sự là chỗ dựa tin cậy để các cơ quan chức năng yên tâm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng khẳng định hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được hoàn thiện thêm một bước mới.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, đơn vị và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, thể hiện quyết tâm cao của các địa phương, sự đồng lòng, nhất trí từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu: Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và Ban Chỉ đạo Trung ương giao cho các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của HĐND, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, báo chí và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ; kiện toàn tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…
Nguồn: https://baohungyen.vn