KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 23/06/2023 - Lượt xem: 444
Sôi động dịch vụ mùa gặt

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa xuân, chuẩn bị làm đất cho sản xuất lúa vụ mùa. Hiện nay, Nhiều khâu trong sản xuất lúa được cơ giới hóa, nhất là thu hoạch lúa. Theo đó, nhiều người đã chuyển sang làm các nghề dịch vụ liên quan đến các công đoạn thu hoạch lúa như gặt máy thuê, đóng lúa vào bao, vận chuyển lúa từ đồng về nhà, phơi lúa thuê, thu mua rơm… mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều người.

Người dân xã Vũ Xá (Kim Động) tranh thủ thu hoạch lúa bằng máy gặt
Nghề cho gặt máy thường, mỗi năm chỉ hoạt động hai đợt vào vụ thu hoạch lúa xuân và vụ mùa, thời gian còn lại “đắp bạt nằm chờ”. Do đó, khi lúa chín rộ, các chủ máy gặt tận dụng thời gian để hoạt động hết công suất máy. Sau khi gặt xong các cánh đồng làng, trong xã, trong huyện họ sang các huyện lân cận để gặt thuê. Với lợi thế máy gặt ít rơi rụng, thu hoạch nhanh, ít tốn công, chi phí thấp. Do vậy nghề gặt thuê luôn “đắt khách”, mang lại thu nhập khá cho gia đình sau mỗi mùa thu hoạch lúa.
Trên cánh đồng xã Vũ Xá (Kim Động), bà Phạm Thị Bình cho biết: Nghe bác trưởng thôn thông báo có máy gặt về là tôi phải ra ngay vì ruộng không có chủ họ sẽ bỏ qua không gặt.
Anh Đỗ Văn Vượng, xã  Vũ Xá (Kim Động), chủ máy gặt chia sẻ: Sau khi gặt hết diện tích lúa trong xã tôi sẽ đến địa phương khác để gặt thuê. Mùa gặt trôi qua nhanh nên tôi phải tranh thủ từng phút...
Với giá 200.000 đồng/sào, tính ra mỗi ngày xuống đồng, mỗi máy gặt cũng thu về 10 -15 triệu đồng, trong đó tiền nhiên liệu khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Thợ lái máy thường được trả tiền công trên dưới 1 triệu đồng/ngày, còn nhân công đóng thóc vào bao thường phải thuê 2 người với mức công 500.000 đồng/ngày. 
Ngoài dịch vụ gặt thuê, dịch vụ vận chuyển thóc từ ruộng về nhà cũng đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều người. Thời điểm thu hoạch lúa, nhu cầu vận chuyển thóc từ ruộng về nhà cao, nên nhiều người chuyển sang làm dịch vụ chở thóc thuê
Đã quá trưa, anh Lê Văn Nam xã  An Viên (Tiên Lữ) vẫn tất bật lái chiếc xe vận chuyển thóc mới thu hoạch từ ngoài ruộng về cho bà con phơi kịp nắng. Anh Nam chia sẻ: Tranh thủ mùa gặt, tôi tận dụng chiếc xe của nhà để kiếm thêm thu nhập. Thường vào mùa gặt, tôi làm không hết việc, có những hôm 9 giờ đêm vẫn có người gọi tôi ra chở thóc”.
Giảm thiểu sức lao động, giá cả hợp lý nên hiện nay dịch vụ chở thóc thuê về nhà được người dân ưa chuộng. Tuỳ thuộc vào khoảng cách xa hay gần mà mỗi chuyến có giá thành từ 100.000 - 150.000 đồng. Mỗi ngày, người chở thóc thuê chở khoảng 10 chuyến, thu về hơn 1 triệu đồng.
Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm thóc khô ngày càng lớn, trên địa bàn tỉnh lại chưa có hệ thống máy sấy nông sản công suất lớn. Vì thế, nghề thời vụ phơi thóc thuê ra đời, đem lại thu nhập khá cho nhiều người.
Dưới cái nắng “cháy da, cháy thịt’ của mùa hè, trong khi nhiều người tìm cách để tránh nóng thì những người lao động làm nghề phơi thóc thuê lại mong nắng kéo dài, bởi với họ, có nắng thì công việc sẽ bớt một phần nhọc nhằn hơn; họ vẫn thường nói đùa với nhau rằng đây là nghề “phơi nắng” ra tiền.
Canh tác lúa theo hướng hàng hóa là hướng đi mới của nhiều hộ nông dân. Tận dụng những thửa ruộng bỏ không của những hộ dân không có nhu cầu làm nông nghiệp, bà Phạm Thị Cải ở xã Ngô Quyền (Tiên Lữ) đã “gom” thêm 20 mẫu để sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, kinh doanh. Bà Cải chia sẻ: Với lượng thóc lớn, để bán ra kịp thị trường, được giá, tôi đã phải thuê thêm người phơi thóc sau gặt.
Hiện nay nghề phơi thóc thuê xuất hiện nhiều ở một số huyện như Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi…  Do thời gian gặt mỗi địa phương khác nhau nên những người làm nghề phơi thóc thuê thường được liên hệ hẹn trước. Một ngày công phơi lúa thuê hiện nay có giá từ 300.000 - 400.000 đồng. Trung bình một vụ gặt (kéo dài từ 10 đến 15 ngày) sẽ cho thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng.
Khi bà con nông dân cơ bản đã thu hoạch xong lúa trên những cánh đồng thì lúc này những người làm nghề thu gom rơm cũng tất bật vào mùa.
Trước nhu cầu tiêu thụ rơm khô cao, nhiều hộ dân tại huyện Yên Mỹ tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa để thu gom và bán kiếm thêm thu nhập. Thời gian gần đây nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, thiết bị gom rơm. Anh Lương Văn Khuê ở xã Tân Việt (Yên Mỹ), một thương lái thu gom rơm cho biết: Nhu cầu tiêu thụ rơm khô tăng cao. Sau khi thu gom, những cuộn rơm sẽ được phân phối ở các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn có nhu cầu dùng rơm làm thức ăn rất lớn. Thế nên chỉ sợ không có sức mà thu gom, chứ không lo ế.
Mỗi vụ gặt thường gom được từ 5.000 đến 10.000 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm nặng 18 - 20kg. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà giá bán bán khác nhau, trung bình 20.000 – 30.000 đồng/cuộn. Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh hoặc vận chuyển đến một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam... để tiêu thụ. Mỗi vụ, trừ chi phí, người thu gom rơm có thể thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan