KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Chính trị
Đăng ngày: 17/05/2025 - Lượt xem: 21
Sửa đổi Hiến pháp 2013: Tạo cơ sở pháp lý cao nhất để tinh gọn bộ máy chính trị

Theo GS-TS Trần Ngọc Đường, khi Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 được Quốc hội thông qua thì đó cũng là cơ sở chính trị pháp lý để tiến hành công cuộc tinh gọn bộ máy một cách vững vàng.

Giao diện màn hình đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VneID. (Ảnh: TTXVN phát)

Với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, một trong những nội dung trọng tâm được đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 liên quan đến quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.

Thể hiện sự đồng tình và ủng hộ cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ chủ trương của Đảng là phải tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Để thực hiện chủ trương này, Đảng ta đã chỉ ra là phải hoàn thiện hệ thống thể chế, trong đó có Hiến pháp. Sửa đổi một số điều liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chủ trương này, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã đề xuất là sửa 8/120 điều.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tám điều được sửa đổi này cũng nhằm xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn hoặc đặc khu). Chủ trương đó hoàn toàn đúng và cần phải thực hiện để tổ chức hệ thống chính trị của chúng ta tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tạo cơ sở pháp lý cao nhất để tinh gọn bộ máy chính trị

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường khẳng định Hiến pháp là đạo Luật gốc, đạo Luật cơ bản của một Nhà nước, thể hiện chủ quyền quốc gia của nhân dân rất cao. Vì vậy, như Đảng ta đã nói dù là sửa nhiều hay sửa ít thì đều phải tuân thủ quy định một cách chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học; trong đó có việc phải lấy được ý kiến của nhân dân, tập hợp được ý kiến của nhân dân.

Việc sửa đổi Hiến pháp có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, tạo cơ sở chính trị pháp lý cao nhất để thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống chính trị. Nếu không sửa đổi Hiến pháp mà cứ thực hiện chủ trương đó thì Nhà nước ta không phải là một Nhà nước pháp quyền, vi phạm quyền tự chủ của nhân dân.

Ý nghĩa thứ hai cũng rất quan trọng: khi Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 được Quốc hội thay mặt nhân dân thông qua với sự thống nhất đa số thì đó cũng là cơ sở chính trị pháp lý để tiến hành công cuộc tinh gọn bộ máy một cách vững vàng mà không ai có khả năng phá hoại, kể cả kẻ thù có tìm cách xuyên tạc cũng không làm được, bởi chúng ta giữ được một nền tảng pháp lý, đó là sửa đổi Hiến pháp-đạo luật cao nhất.

Hiến pháp là đạo luật cao nhất, thể hiện ý chí và chủ quyền của nhân dân. Việc sửa đổi Hiến pháp không chỉ phản ánh sự đổi mới mà còn bảo vệ và củng cố quyền lực của nhân dân. Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp của nước ta đều diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi. Điều này có được nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, với những chủ trương rõ ràng, sát hợp thực tiễn, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ nhân dân. Những nội dung được đề xuất sửa đổi cũng được xem xét kỹ lưỡng, toàn diện và đảm bảo tính thống nhất cao giữa các tầng lớp trong xã hội.

Dù phạm vi sửa đổi lần này có thể không lớn nhưng việc tổ chức lấy ý kiến vẫn thực hiện bài bản, chặt chẽ, đúng quy trình. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng của bản Hiến pháp được sửa đổi, còn giúp nhân dân hiểu rõ hơn về vai trò của Hiến pháp, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và thượng tôn pháp luật. Đồng thời, quá trình sửa đổi cũng là một cơ hội để giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bản Hiến pháp-đạo luật gốc của quốc gia. Đây chính là nền tảng để củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong toàn xã hội, giúp Hiến pháp tiếp tục là trụ cột pháp lý và chính trị vững chắc của đất nước.

Mở ra không gian phát triển kinh tế-xã hội rộng lớn hơn

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tạo ra cơ hội rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta xây dựng bộ máy nhà nước ở địa phương để đổi mới một cách mạnh mẽ có những thuận lợi, cơ hội nhưng cũng chứa đựng những thách thức, khó khăn nhất định.

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường phân tích về cơ hội, thứ nhất, việc bỏ chính quyền cấp huyện-cấp trung gian, chỉ xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, mở ra một không gian kinh tế-xã hội rộng lớn hơn, phát triển mọi mặt về kinh tế-văn hóa-xã hội. Trước đây, không gian của nó chỉ bó hẹp ở cấp huyện, xã, bây giờ không còn cấp huyện nữa sẽ tạo được mối liên kết giữa thành phố-nông thôn thông thoáng, thuận tiện hơn.

Thuận lợi thứ hai là chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp việc thực thi các quyết định nhanh chóng, không qua cấp trung gian. Cùng đó, chúng ta cũng sẽ tinh gọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở khâu trung gian, tăng cường sức mạnh cho chính quyền cơ sở...

Về khó khăn, thách thức, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường nhận định đầu tiên là về nhận thức. Bởi lẽ việc tinh gọn bộ máy có liên quan trực tiếp đến từng cán bộ, công chức ở cấp trung gian, bởi khi xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, thì quyền lợi, lợi ích gắn với cán bộ, công chức có thể bị ảnh hưởng.

Khó khăn thứ hai cần phải vượt qua là việc nâng cao năng lực, trình độ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nói: không chỉ là bỏ cấp chính quyền một cách đơn thuần để xây dựng chính quyền hai cấp mà đây là dịp để sàng lọc, lựa chọn cán bộ. Điều này đòi hỏi năng lực cán bộ phải cao hơn, gần dân hơn, phải sâu sắc hơn.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính. (Ảnh: Công Luật /TTXVN)

Theo thống kê, sẽ có khoảng 85% nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện chuyển cho cấp xã, còn 15% chuyển về cấp tỉnh, do vậy, cấp xã, phường sẽ phải gánh vác một cái nhiệm vụ nặng nề hơn, đòi hỏi năng lực của trình độ cao hơn, ý thức phục vụ nhân dân tốt hơn thì mới xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp mạnh hơn chính quyền 3 cấp trước đây. Đây là một thách thức đòi hỏi mỗi địa phương phải cố gắng, nỗ lực mới thực hiện được.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, sẽ có nhiều Luật được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 lần này chỉ có 8 điều nhưng kéo theo việc sửa đổi, bổ sung nhiều Luật quan trọng nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Ví dụ như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân cũng cần sửa đổi. Hiện nay, hệ thống tòa án và viện kiểm sát được tổ chức theo đơn vị hành chính, bao gồm cả cấp huyện. Nếu cấp huyện, quận không còn tồn tại, thì mô hình tòa án cấp quận, huyện cũng phải thay đổi...

Những sửa đổi này tập trung vào việc tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy Nhà nước, làm rõ trách nhiệm, chức năng của từng cấp chính quyền và cơ quan tư pháp, qua đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Đây là bước đi cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển hiện nay.

Việc sửa đổi, bổ sung những quy định mới sẽ buộc chính quyền, cơ quan các cấp phải thực hiện tốt hơn, mạnh hơn so với hệ thống tổ chức bộ máy trước đây.../.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/

Tin liên quan