Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp lại cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Chiều ngày 15/5, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy chủ trì Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nêu rõ, Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, việc sửa Hiến pháp lần này là rất cần thiết để tạo cơ sở Hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong tình hình mới.
“Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn,” Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nhấn mạnh nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tại dự thảo Nghị quyết rất ngắn gọn, tập trung vào một số điều để phục vụ ngay công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam được giao nhiệm vụ lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận trong thời gian gần 1 tháng và tổng hợp tất cả kết quả lấy ý kiến góp ý để gửi Chính phủ tổng hợp chung vào kết quả lấy ý kiến Nhân dân trình Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nêu rõ, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung quan trọng.
Một là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 Hiến pháp năm 2013 nhằm nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điều 9 cũng quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc theo đúng các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung quy định về Công đoàn Việt Nam (Điều 10), khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.
Khoản 1 Điều 84 được sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ quy định về quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận, để bảo đảm thống nhất, phù hợp với tổ chức bộ máy của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau khi sắp xếp, tinh gọn.
Hai là, sửa đổi, bổ sung 5 Điều tại Chương IX Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn cấp tỉnh, cấp dưới tỉnh (không còn đơn vị hành chính cấp huyện) và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị quyết có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/