Quý I năm nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 189 vụ TNGT, làm chết 59 người, bị thương 179 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT trên địa bàn tỉnh tăng 97 vụ, tăng 18 người chết, tăng 116 người bị thương. Tại 10 huyện, thị xã, thành phố đều có số vụ TNGT tăng cao, trong đó, các huyện Văn Giang, Ân Thi, Kim Động, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào tăng trên 100%. Nguyên nhân chủ yếu khiến TNGT diễn biến phức tạp là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), vi phạm tốc độ lái xe, tránh, vượt nhau trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn phổ biến…, trong đó, tái diễn tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện cơ giới theo quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp điện. Bên cạnh đó, trong hành lang ATGT đường bộ, một số tổ chức, cá nhân tập kết nguyên vật liệu, bắc rạp cưới chiếm dụng lòng, lề đường gây mất ATGT nhưng chưa được xử lý triệt để; công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT chưa quyết liệt, chưa xử lý dứt điểm. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, tuy nhiên chưa tương ứng với sự gia tăng của phương tiện giao thông. Nhiều công trình, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng, trong đó có nhiều tuyến đường huyết mạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp, dẫn đến lưu lượng xe vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao, gây áp lực cho công tác bảo đảm TTATGT…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra hoạt động các phương tiện vận tải
hàng hoá trên tuyến ĐT.378
Trước thực trạng đó, Ban ATGT tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, tăng cường phối hợp kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất TTATGT đường bộ, đường thủy nội địa; xác định và xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; thường xuyên kiểm tra, xây dựng phương án phân luồng giao thông, rà soát, bổ sung biển báo, đèn tín hiệu giao thông phù hợp để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt dịp lễ, Tết và các sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Trung tá Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Để góp phần giảm thiểu TNGT, ngay từ đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã huy động tối đa trang, thiết bị, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT trên các tuyến giao thông đường bộ; tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động tại các giờ cao điểm, ở các điểm phức tạp; tập trung kiểm tra, xử lý các đối tượng, hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và ùn tắc giao thông nhằm kiềm chế, giảm TNGT và ùn tắc giao thông theo các chuyên đề về xử lý xe quá tải, vi phạm nồng độ cồn… 3 tháng đầu năm, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 4,6 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT với tổng số tiền phạt hơn 14,6 tỷ đồng; tạm giữ hơn 2 nghìn phương tiện, gần 1 nghìn giấy phép lái xe các loại. Thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, địa bàn phức tạp về TTATGT; bố trí lực lượng CSGT tuần tra khép kín địa bàn, không bỏ trống địa bàn.
Cùng với đó, các ngành, địa phương của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT. Ban ATGT tỉnh tổ chức cấp phát tài liệu tuyên truyền cho Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền các chuyên đề về ATGT cho công nhân trong các doanh nghiệp và người dân tại các xã, phường, thị trấn; đẩy mạnh tuyên truyền lưu động các chuyên đề về ATGT như: Văn hóa giao thông, các quy tắc giao thông đường bộ, đi và qua đường an toàn…
Để giảm thiểu TNGT, trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT. Chú trọng các giải pháp ngăn chặn tình trạng xe ô tô quá khổ, quá tải. Đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT trên các tuyến đường theo phân cấp, nhất là tại cơ sở, khu dân cư, nhằm phát hiện, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần xây dựng văn hoá giao thông an toàn.
Nguồn: https://baohungyen.vn