Thực hiện Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 của Chính phủ và quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác thủy sản; đồng thời duy trì triển khai các hoạt động bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần ổn định quần xã thủy sinh vật tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 loài thủy sản; trong đó, có một số loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: Cá lăng, cá ngạnh, cá mòi… Tuy nhiên, so với trước đây, nguồn lợi thủy sản trong tỉnh giảm dần thành phần loài và sản lượng. Nguyên nhân được xác định ảnh hưởng đến nguồn lợi và sản lượng thủy sản là do người dân còn sử dụng công cụ khai thác có tính hủy diệt như: Xung điện, chất nổ, chất độc, lưới kéo mắt nhỏ. Công tác kiểm tra, chế tài xử phạt các hành vi khai thác thủy sản tận diệt chưa được các địa phương quan tâm và xử lý. Đơn cử như trên hệ thống sông Hòa Bình (Phù Cừ), đoạn kênh thuộc thôn Lạc Dục, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) hay khu vực sông Hồng, đoạn qua địa phận xã Bình Minh (Khoái Châu)… vẫn còn tình trạng người dân sử dụng bình ắc quy, tàu điện đánh bắt tôm, cá. Anh Nguyễn Văn Duy, xã Bình Minh (Khoái Châu) cho biết: Thỉnh thoảng, tàu khai thác cá ở địa phương khác vẫn về sông Hồng, đoạn qua địa phận xã sử dụng kích điện để khai thác tôm, không chỉ tận diệt nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến diện tích thủy sản nuôi trong lồng của người dân.
Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Bên cạnh đó, tình trạng nước bị ô nhiễm do chất thải sinh hoạt, công nghiệp, chăn nuôi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Trong tháng 3, nước trong hệ thống sông Bắc Hưng Hải đen kịt, bốc mùi hôi trong nhiều ngày, chảy về các kênh, mương ở các địa phương đã làm chết nhiều loài thủy sản trong môi trường tự nhiên. Việc nuôi thả tôm thẻ chân trắng của một số hộ dân ở huyện Phù Cừ và thị xã Mỹ Hào cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường thủy sản của tỉnh. Đồng chí Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Thời gian tới, huyện phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân quan tâm việc khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không nuôi thả thủy sản nước mặn, lợ ảnh hưởng đến môi trường thủy sản của huyện. Cùng với đó, yêu cầu các xã, thị trấn có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt.
Mặc dù lĩnh vực thủy sản chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhưng vẫn đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp mỗi năm và là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại một số địa phương như: Kim Động, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, Phù Cừ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nông thôn. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngày 21/2, Sở Nông nghiệp và PTNT có Công văn số 279/SNN – PTS về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sở đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các ngư cụ cấm khai thác thủy sản; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản theo quy định. Nghiêm cấm các hình thức đánh bắt, khai thác thủy sản trên sông Hồng, sông Luộc trong thời gian từ ngày 1/3 đến 31/5 để bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của cá cháy, cá mòi cờ chấm, cá mòi cờ hoa. Kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi xả thải, để rò rỉ các chất độc hại trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, từ các làng nghề, nhà máy chảy vào môi trường nước tự nhiên làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Hằng năm, phòng Thủy sản tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thả thủy sản, Luật Thủy sản và biện pháp khai thác thủy sản bền vững cho gần 1 nghìn lượt người ở các địa phương. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên và các địa phương thả trung bình 10 vạn con cá giống xuống sông, kênh, mương… giúp cân bằng lại nguồn lợi thủy sản. Các loài cá giống được thả tái tạo tập trung ở một số đối tượng dễ thích nghi với môi trường tự nhiên, tỉ lệ sống và phát triển cao như: Trắm cỏ, chép, trôi…
Đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) chia sẻ: Với các biện pháp được triển khai thực hiện trong bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, quý I năm nay, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 14 nghìn tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, phòng đang phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn tuyên truyền kỹ thuật nuôi thả thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu; rà soát các hộ nuôi thả thủy sản đủ điều kiện để tham gia đề án phát triển thủy sản của tỉnh. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí kinh phí, huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia các hoạt động thả cá, tái tạo nguồn lợi thủy sản; xây dựng chính sách hỗ trợ mô hình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nguồn: https://baohungyen.vn