KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 02/07/2024 - Lượt xem: 234
Tăng cường hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả

Chiều 1/7 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho người lao động tiêu biểu Việt Nam tại Hàn Quốc.
Các đại biểu đã trao đổi, đề xuất những giải pháp, kế hoạch hợp tác mới về lao động giữa hai nước, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chung mà hai nước cùng xác định và tương xứng với mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Diễn đàn, số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc tăng nhanh hàng năm và hiện Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu trong số những nước phái cử lao động sang Hàn Quốc (khoảng 66 nghìn lao động).
Nhiều lao động Việt Nam sau khi làm việc tại Hàn Quốc, học tập và tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng trong môi trường làm việc tốt, có khả năng ngoại ngữ và tác phong làm việc chuyên nghiệp đã quay trở về Việt Nam khởi sự kinh doanh thành công.
Số lượng lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam cũng tăng nhanh hàng năm (gần 20 ngàn lao động), đứng đầu và chiếm trên 16% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (122.660 người). Hầu hết những lao động Hàn Quốc đều có trình độ cao với 7.625 người giữ vị trí quản lý và giám đốc điều hành, chiếm trên 38%; đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật trên 11 ngàn người, chiếm gần 62%...
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại diễn đàn.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, hợp tác về lao động với Hàn Quốc đã được 32 năm, trở thành một trong những trọng tâm hợp tác hai nước. Hiện có khoảng 120 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Nhiều lao động Việt Nam trở về từ Hàn Quốc đã nỗ lực trở thành chủ doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ trưởng tin rằng hợp tác lao động tiếp tục mở rộng, đi vào ngành nghề chất lượng cao, thực sự là nơi bồi dưỡng kỹ năng, tác phong công nghiệp, góp phần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hợp tác toàn diện theo chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Ông Lee Woo Young, Chủ tịch Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc nhắc đến mối quan hệ lâu dài trong hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam-Hàn Quốc.
Theo ông, lao động Việt Nam có nhiều đóng góp cho phát triển của cả hai quốc gia. Ông cho biết, 20 năm qua, số lượng người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc là hơn 13.000 người, đứng thứ 2 trong số các quốc gia đưa lao động vào Hàn Quốc. Trong số đó, có rất nhiều người Việt đã hoàn thành quá trình lao động ở Hàn Quốc và tiếp tục quay trở lại nước này để làm việc.
Ông Lee Woo Young ví đây là nguồn nhân lực quý giá trong phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Khẳng định chương trình hợp tác lao động với Việt Nam là trọng tâm được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm, ông mong hợp tác lao động giữa hai nước ngày càng tốt đẹp. Ông Lee Woo Young cũng mong muốn rút gọn quy trình nhập cảnh của người lao động vào Hàn Quốc; xây dựng cơ chế mới về tuyển chọn lao động…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Hàn Quốc.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Diễn đàn hôm nay là sự kiện quan trọng, là cơ hội tốt để chúng ta cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, kế hoạch hợp tác mới về lao động giữa hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc. Thủ tướng cảm nhận được không khí quý mến, tôn trọng nhau, chân thành, tin cậy, hiệu quả cao dành cho nhau của hai nước.
Thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, hình ảnh ấn tượng tại Diễn đàn là 50 lao động Việt Nam đã về nước nhưng được tiếp nhận lại, chứng minh vai trò cần thiết của lao động Việt Nam đối với Hàn Quốc. Điều quan trọng nhất là phía Hàn Quốc hài lòng với lao động Việt Nam, lao động Việt Nam hài lòng với công việc, cuộc sống ở Hàn Quốc. Việt Nam có một cộng đồng gần 300 nghìn người ở Hàn Quốc. Do đó, chúng ta cần phát huy những mặt tích cực trong việc hợp tác lao động.
Thủ tướng nêu rõ, tới đây, quan hệ hai nước đã tốt rồi thì cần phải tốt hơn nữa cả về chính trị, kinh tế, hợp tác đầu tư, an ninh quốc phòng trong đó có lĩnh vực trụ cột là hợp tác lao động. Theo Thủ tướng, Hàn Quốc đang già hoá dân số, thiếu lao động, có nhu cầu ngày càng lớn về lao động trên các lĩnh vực; trong khi Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động dồi dào. Do đó, dư địa và tiềm năng hợp tác rất lớn nhưng chúng ta cần phải nâng cao hiệu quả hợp tác, thay đổi cách làm. Thủ tướng tâm đắc phía Hàn Quốc nói những người có trách nhiệm, chủ thể liên quan phải làm cho người lao động hiện thực hoá ước mơ Hàn Quốc trong quá trình sinh sống, làm việc tại Hàn Quốc. Chúng ta sẽ làm việc này tích cực nhất, hiệu quả nhất, nhân văn nhất. Chúng ta phải có trách nhiệm với nhau để người lao động được tôn trọng, quý mến, cống hiến hết sức mình cho chính bản thân họ, cho quan hệ hai nước.
Thủ tướng nêu rõ, phía Hàn Quốc tiếp tục đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và mang lại lợi ích cho cả hai bên; đồng thời, đưa các chuyên gia, nhà quản lý có trình độ cao sang công tác, làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng mong tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm (EPS), lao động trong ngành đóng tàu, nông nghiệp, thủy sản tàu cá và mở rộng ngành nghề mới mà Hàn Quốc có nhu cầu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…); tăng số lượng trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn; tăng cường các biện pháp bảo đảm người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc thông qua các tổ chức, đơn vị có chức năng của Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép.
Tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa cho người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc; bảo đảm người lao động được hưởng các lợi ích chính đáng của mình, an tâm làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Hàn Quốc; đồng thời, thực hiện tốt Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Điều quan trọng là quyền và lợi ích chính đáng của người lao động được bảo đảm thông qua luật pháp.
Quang cảnh Diễn đàn.
Về phía Việt Nam, ngoài những ngành nghề truyền thống, Việt Nam hướng tới tuyển dụng và phái cử lao động có kỹ năng, có trình độ ở một số lĩnh vực ngành nghề mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng như đang tập trung hướng đến như bán dẫn, xe điện, công nghệ sinh học, xe tự lái...
Phía Việt Nam (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại Sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc) tích cực phối hợp làm việc với các cơ quan chức năng phía Hàn Quốc (như Bộ Tư pháp, Bộ Việc làm và Lao động, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng…) tập trung triển khai thực hiện các cam kết, giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tình hình mới cho xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Tăng cường hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, kết nối cung cầu việc làm cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương, nhất là nâng cao kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ; hỗ trợ người lao động hiểu văn hoá, luật pháp sở tại, sớm thích nghi cuộc sống. Cả hai bên đều phải khắc phục nỗ lực, phát triển lao động lành mạnh, an toàn, bình đẳng, văn hoá, văn minh, bảo đảm nhân văn.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, người lao động nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp, người lao động Hàn Quốc đầu tư kinh doanh, làm việc, học tập hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam. Việt Nam coi thành công của các bạn cũng chính là thành công của mình.
Đối với lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Hàn Quốc, Thủ tướng đề nghị quán triệt tinh thần học tập là suốt đời, cha ông ta đã dạy “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”, “Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn, sắt kia mài mãi cũng còn nên kim”, Thủ tướng mong rằng người lao động phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mong thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc sẽ là những kỷ niệm đẹp khó quên, có nhiều ấn tượng với bạn bè Hàn Quốc; các bạn sẽ tận dụng tốt cơ hội quý báu này để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm; học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của người dân Hàn Quốc để khi trở về Việt Nam, các bạn sẽ trở thành những doanh nhân giỏi, những người lao động có kỹ năng, những công dân tiêu biểu góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước cũng như mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Hàn Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng nhắn nhủ, người lao động cần ý thức về trách nhiệm đối với chính mình, với gia đình, với xã hội và hai đất nước, chấp hành tốt pháp luật của Hàn Quốc, tránh những việc tiêu cực, tệ nạn xã hội. Lao động Việt Nam cần cư xử đúng văn hóa của người Việt Nam đó chính là yêu lao động, yêu hòa bình và cần yêu đất nước Hàn Quốc mà ta đến làm việc - coi Hàn Quốc như quê hương thứ hai của mình, thể hiện bằng kết quả, sản phẩm của người lao động; góp phần quảng bá hình ảnh của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra với bạn bè quốc tế và với các bạn Hàn Quốc. Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc chính là những chiếc cầu nối hai quốc gia, hai dân tộc hướng đến một tương lai cùng phát triển và cùng thịnh vượng.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, Thủ tướng tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế, lao động sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng chung.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan