KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chính trị
Đăng ngày: 15/10/2024 - Lượt xem: 85
Tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ với Quốc hội vì sự phát triển đất nước

Sáng 15/10, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì Hội nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ủy ban của Quốc hội đã phối hợp với nhau rất tốt, chặt chẽ, hiệu quả.
Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, 9 tháng qua, tình hình chính trị đất nước ta cơ bản ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hoạt động đối ngoại tích cực, đem lại hiệu quả cụ thể cho kinh tế đối ngoại trong bối cảnh toàn cầu sụt giảm đầu tư, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được đầu tư FDI trên 25 tỷ USD trong 9 tháng qua, đặc biệt là giải ngân vốn FDI đạt 17 tỷ USD.
Thủ tướng đánh giá, nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng 9 tháng đạt 6,82% là mức cao so nhiều nước trên thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp: chiến tranh, xung đột; căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, đứt gãy các hoạt động kinh tế, giá dầu tăng; chính sách tiền tệ ở một số nước chưa thật sự ổn định… Tình hình này đòi hỏi các nước kêu gọi chung tay đoàn kết quốc tế, thống nhất, vượt qua khó khăn, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ để giải quyết các công việc, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế-xã hội; cho rằng, chúng ta phải có thực lực, tiềm lực, đi lên từ nguồn lực nội sinh (thể chế, chính sách, con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa) thì mới có vị thế, vai trò trên thế giới, mới kêu gọi được sự ủng hộ của quốc tế.
Thủ tướng cho biết, về công việc của Chính phủ, ngay sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, kịp thời hành các văn bản chỉ đạo chuẩn bị, nhất là đôn đốc, phân công.
Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo, phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”.
Tại Kỳ họp thứ 8 này, công việc rất nặng nề với nhiều kỷ lục mới đòi hỏi cả Chính phủ và Quốc hội phải chia sẻ, nỗ lực nhiều, làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn, tích cực hơn.
Dự kiến Chính phủ trình Quốc hội 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án Luật để xem xét và cho ý kiến thông qua; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt ưu tiên nguồn lực, tích cực chuẩn bị đối với các dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng bày tỏ, tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII là "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Với một tinh thần mới - Kỷ nguyên vươn mình của đất nước thì chúng ta phải làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, tăng tốc hơn, bứt phá hơn, quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn thì mới theo kịp, tiến cùng và bứt phá trong quá trình phát triển đất nước để khẳng định tầm vóc của đất nước, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới còn khó khăn.
Các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 rất rõ, đó là tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển tư duy xây dựng pháp luật từ chỗ tập trung quản lý nhiều hơn sang chỗ vừa phải tập trung quản lý, vừa mở rộng không gian phát triển, đặc biệt là khuyến khích đổi mới sáng tạo, những cách làm hay, hiệu quả tốt; xoá bỏ các cơ chế “xin-cho” trong xây dựng pháp luật. Muốn vậy chúng ta phải cắt giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt là các bộ, ngành, địa phương.
Chúng ta phải mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn để tạo sự bứt phá trong năm 2024 và năm 2025 - năm chuẩn bị bước sang giai đoạn mới của đất nước, năm có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh…, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của đầu tư, do đó đất nước cần có những công trình trọng điểm mang tính biểu tượng để chào mừng các sự kiện quan trọng này.
Vì vậy, chúng ta cần quán triệt tinh thần này trong tư duy, nhận thức và hành động, phối hợp với nhau thật tốt, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các bộ, ngành, địa phương trong hệ thống chính trị, cho người dân, doanh nghiệp với tinh thần đổi mới, khẩn trương, tăng tốc, bứt phá.
Thủ tướng nêu rõ, lần này, có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội. Ngày 17/9 vừa qua, hai bên đã tổ chức cuộc họp để rà soát các công việc để động viên, chia sẻ, cùng bàn, cùng làm, cùng thực hiện nhiệm vụ của Đảng. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, hai bên triển khai phiên họp ngay sau Hội nghị Trung ương. Hội nghị này cũng nhằm tiếp tục rà soát công việc, thể hiện sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; cũng nhờ đó, công việc được triển khai thuận lợi hơn.
Các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng nêu rõ, vừa qua bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ước tính hơn 81 nghìn tỷ đồng; do đó phải có giải pháp khắc phục hậu quả ở 26 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra. Hậu quả của cơn bão còn kéo dài. Việc cấp bách trước mắt là phải ổn định tình hình nhân dân, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, khôi phục lại các cơ sở hạ tầng, trong đó có xây dựng lại cầu Phong Châu (Phú Thọ) trong năm 2025.
Theo Thủ tướng, tình hình biến đổi nhanh thì phải có ứng xử kịp thời; hoặc đối với nhiều người mất nhà cửa do bão lũ thì các cấp, các ngành, địa phương cũng phải thay đổi cơ chế chính sách, thủ tục thì mới giải quyết được. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương.
Thủ tướng cũng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải nắm bắt các xu thế, tận dụng các cơ hội đầu tư. Do đó những vấn đề gì còn vướng mắc thì phải nỗ lực chung tay, đồng lòng tháo gỡ, giải quyết với tinh thần “vướng ở đâu tháo gỡ ở đó”, “trách nhiệm thuộc cấp nào thì cấp đó phải giải quyết”.
Thủ tướng chân thành cảm ơn Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua; nêu rõ, hội nghị này tập trung thảo luận chương trình; một số luật từ đó hoàn thiện, chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, tiếp tục trình Quốc hội. Trách nhiệm, nghĩa vụ của chúng ta là phối hợp chặt chẽ, nỗ lực tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên, Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
* Ban cán sự đảng Chính phủ cho biết, tại cuộc họp giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội ngày 17/9, hai bên đã thống nhất trình tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội 77 hồ sơ, tài liệu, tờ trình, báo cáo gồm: 15 luật, 2 Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua; 10 luật trình Quốc hội cho ý kiến, 15 tờ trình, báo cáo tại Hội trường; 35 báo cáo gửi Đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Thời gian qua từ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các bộ, ngành, địa phương đã đề nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách cần phải được xử lý sớm bằng việc sửa đổi, bổ sung Luật hoặc thông qua Nghị quyết của Quốc hội.
Để kịp thời có cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đề nghị bổ sung thêm 4 hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; báo cáo về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 (trong đó sử dụng khoản cắt giảm, tiết 5% chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo); tờ trình điều chỉnh dự toán vốn vay lại năm 2024 của các địa phương; nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Như vậy, tổng số tài liệu Chính phủ dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 là 81 hồ sơ, tài liệu.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, khối lượng các tài liệu, báo cáo, tờ trình là rất lớn với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 15 văn bản phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khẩn trương xây dựng, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp này, bảo đảm chất lượng và thời hạn quy định.
Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội 78/81 hồ sơ, tài liệu và đang chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 (tháng 9/2024), Phiên họp thứ 38 (tháng 10/2024) để trình Quốc hội theo quy định.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp lần thứ 8 này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng-an ninh và đảm bảo đời sống của nhân dân. Ngày 17/9, Đảng đoàn Quốc hội đã họp liên tịch lần 1 với Ban Cán sự đảng Chính phủ để kiểm điểm rà soát các công việc đã, đang và sắp chuẩn bị các nội dung của Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong 28,5 ngày; nếu cần thiết sẽ tăng cường làm việc thêm các ngày thứ bảy thành 30,5 ngày để điều chỉnh đưa vào thêm Chương trình phòng, chống ma túy; Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh nếu chuẩn bị kịp; báo cáo về phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2025 cũng như điều chỉnh hoàn vốn vay năm 2024 của các địa phương. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 18 Luật, 2 Nghị quyết có tính chất quy phạm pháp luật; 10 Luật cho ý kiến lần đầu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến tại Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cũng như của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng:
Kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng: đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc Thông tư, Nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính với tinh thần “địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm”; các luật, nghị quyết trình Quốc hội lấy chất lượng là chính, bảo đảm khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có “tuổi thọ” cao. Cả Chính phủ và Quốc hội cần quán triệt sâu sắc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo vấn đề thẩm định các vấn đề, nội dung từ sớm, từ xa; mong Kỳ họp thứ 8 sẽ tiến bộ hơn Kỳ họp thứ 7; nhấn mạnh thêm một số nội dung:
Hai bên tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa, những gì đã đề ra phải quyết tâm làm, bảo đảm thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Tạo điều kiện thuận lợi giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật gắn với việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả. Những hồ sơ mà hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban chưa nhận được thì Chính phủ khẩn trương gửi sang trước ngày 19/10, các Ủy ban sẽ thẩm tra để giữa kỳ nghỉ Kỳ họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để thẩm tra; đề nghị Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ hơn các cơ quan chủ trì soạn thảo là các bộ, ngành, nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết trình theo quy trình rút gọn thông qua tại Kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên tinh thần những việc gì rõ, chưa thống nhất, còn ý kiến khác nhau thì cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục họp với nhau, nếu cần thiết thì Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội họp với nhau để xử lý những điểm còn khác nhau. Để bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, đề nghị Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin kịp thời cho đại biểu Quốc hội nhằm phục vụ bảo đảm Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp để Chính phủ, Quốc hội đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là hội nghị thứ hai giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, cũng là một sự đổi mới, vì trước Kỳ họp có tới 2 hội nghị chuẩn bị và chuẩn bị sớm so trước đây. Thủ tướng đánh giá các phát biểu tại Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tính xây dựng rất rõ ràng, tính chiến đấu rất cao, quyết liệt, mạnh mẽ, đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện.
Thủ tướng đề nghị Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng phải trực tiếp tích cực vào cuộc căn cứ vào thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội với tinh thần tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, tất cả vì lợi ích của nhân dân, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì sự vươn mình, trỗi dậy để phát triển; phải có quyết tâm bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong đó tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính phủ và Quốc hội luôn tích cực thực hiện 3 đột phá chiến lược này. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết nỗ lực hết sức mình, nhất là các hồ sơ cần hoàn thành trước ngày 19/10 để trình Quốc hội, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng liên quan chịu trách nhiệm công việc này; lưu ý trong quá trình làm phải trao đổi thông tin ngay từ khi khởi thảo chứ không phải đến bây giờ mới trao đổi thông tin. Vì vậy, các Bộ trưởng phải chỉ đạo cán bộ cấp dưới phải chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội có đủ thông tin.
Theo Thủ tướng, các quyết sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu chứ không phải dựa trên cảm tính, suy nghĩ của mình. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải cung cấp số liệu, tư liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan, trên cơ sở chúng ta đưa ra các quyết sách, chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, đi vào thực tế.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan