Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống với những chỉ số đáng phấn khởi về tốc độ tăng trưởng kinh tế, số thu ngân sách nhà nước… Đồng thời, để tiếp đà tăng trưởng, cần những giải pháp đồng bộ nhằm khơi thông nguồn vốn ngân hàng, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
Giao dịch tại Agribank Chi nhánh Hưng Yên II
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, khi các phương án phát triển sản xuất, kinh doanh khả thi, đáp ứng đủ điều kiện sẽ được ngân hàng giải ngân vốn vay, qua đó tác động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng chí Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh chia sẻ: “Nắm bắt tình hình thực tế, NHNN Chi nhánh tỉnh quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thúc đẩy quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, người dân bằng cách giảm lãi suất cho vay; cơ cấu điều chỉnh lại thời hạn trả nợ, hạn mức cho vay; rà soát đánh giá lại tài sản bảo đảm tiền vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định. Hoạt động ngân hàng bảo đảm theo hướng linh hoạt, điều hành tín dụng theo tín hiệu của nền kinh tế”. Theo đó, trong năm 2023, nhiều TCTD đã làm tốt chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Các TCTD chủ động tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đồng thời quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Hoàn thành chuẩn hóa các quy trình nội bộ cung cấp sản phẩm dịch vụ, quy định rõ trách nhiệm của nhân viên, lãnh đạo, thời gian giải quyết,... từ khi tiếp nhận yêu cầu đến khi phê duyệt, giải ngân hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Bảo đảm hoạt động liên tục, an toàn của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, các hoạt động công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (Nghị định số 31), các TCTD từng bước đưa chính sách này vào cuộc sống. Điểm đáng chú ý của Nghị định số 31 là mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm; thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023. Đây được coi là giải pháp có ý nghĩa thiết thực để tiếp sức doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.
Với những nỗ lực cao, nguồn vốn tín dụng từng bước được khơi thông, đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các TCTD trênđịa bàn ước đạt trên 94 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ tăng 9,8%. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực, nhóm lĩnh vực, tăng trưởng dư nợ còn thấp như: Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay xuất, nhập khẩu. Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính do tình hình kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, còn nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả các dự án bất động sản thương mại và nhà ở xã hội. Trên thực tế, hiện nay có nhiều nhóm doanh nghiệp không dám vay vốn vì sợ kinh doanh thua lỗ. Có nhóm doanh nghiệp đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn, đặc biệt các doanh nghiệp về dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, chế biến gỗ, thực phẩm xuất khẩu... Còn lại là nhóm không thể vay vốn, chiếm tỉ lệ đông nhất với đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu điều kiện vay vốn... Nhu cầu vay tiêu dùng, mua ô tô, đầu tư bất động sản, mua nhà ở của người dân cũng sụt giảm.
Năm 2024 mang theo nhiều hy vọng về kinh tế tiếp đà tăng trưởng, tín dụng khơi thông. Để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, ngoài nỗ lực từ phía ngành ngân hàng, rất cần các giải pháp “hiệp lực” quan trọng tăng sức cầu của nền kinh tế từ phía Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Các TCTD cần tiến hành khảo sát, tiếp cận, tìm hiểu để phân nhóm các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng; lập danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới hoặc gặp khó khăn trong quan hệ tín dụng cần tiếp tục được tháo gỡ để có giải pháp cụ thể. Đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và hiệu quả thì ngân hàng và địa phương tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn, các TCTD xem xét giảm lãi suất cho vay đối với hợp đồng tín dụng cũ một cách hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của mình; điều chỉnh kỳ hạn nợ phù hợp với từng dự án; nâng hạn mức tín dụng giúp doanh nghiệp có đủ vốn thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh mở rộng. Bên cạnh đó, các TCTD cần tuân thủ quy tắc, đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, tránh lâm vào tình trạng nợ xấu cũ chưa xử lý xong lại phát sinh nợ xấu mới. Các doanh nghiệp cần rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ, tạo niềm tin cho ngân hàng, đối tác…
Nguồn: https://baohungyen.vn