Sáng 10/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Cùng dự, có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long và Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các hiệp hội doanh nghiệp, 26 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân lớn.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các doanh nghiệp lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất; nêu rõ, chúng ta đã bước sang năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đây là giai đoạn khó khăn với đại dịch Covid-19 hoành hành; chiến tranh, xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng; cơn bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng; trong năm 2024 có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao, sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... tác động đến tình hình kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, quốc phòng… đất nước nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị vào cuộc, có sự ủng hộ, đồng tình của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn khốc liệt, đạt được những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo Thủ tướng, năm 2024, cả thế giới gặp nhiều khó khăn do biến động chính trị, cạnh tranh chiến lược… tác động phát triển đất nước, hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ luôn chia sẻ với các doanh nghiệp với các khó khăn chung của thế giới, của đất nước.
Mới đầu năm 2025, nhưng thế giới đã xuất hiện những khó khăn, phức tạp cho nên, các doanh nghiệp cần luôn có tinh thần chuẩn bị tâm thế, lúc nào cũng có khó khăn xuất hiện.
Đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả đại dịch, cùng đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay…
Chính phủ xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này có điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta xác định năm 2024 phải đạt tăng trưởng từ 8% trở lên vì nếu cứ tăng trưởng “bình bình” thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm; những năm tới phải đạt tăng trưởng 2 con số.
Trung ương đã ban hành Kết luận 123 chỉ đạo yêu cầu phải đạt tăng trưởng 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo. Vì vậy rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ với các ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc… để chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chủ trương, đường lối; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đóng góp trong bối cảnh hiện nay, đất nước phải làm gì trước mắt và tương lai để phát triển với tinh thần “nước nổi bèo cũng nổi”; đóng góp ý kiến cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nêu vướng mắc liên quan đất đai, giấy phép, giấy tờ.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hằng tháng báo cáo những vướng mắc về luật pháp để tháo gỡ. Hằng tháng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo Quốc hội sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô-tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, giảm phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số? Muốn vậy, các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp đóng góp ý kiến với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tất cả vì sự phát triển của đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng mong từ thực tiễn, kinh nghiệm, thành công, các doanh nghiệp đóng góp ý kiến đất nước các giải pháp, đặc biệt nêu những vướng mắc về thể chế, thủ tục hành chính, kể cả nêu lên các hiện tượng tiêu cực. Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, các luật liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua gần 40 năm Đổi mới, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, nước ta có hơn 940 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.
Trong đó, năm 2024, có trên 233 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay. Lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
Một số doanh nghiệp có quy mô lớn phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần ghi dấu ấn nước ta với vị trí ngày càng cao trong bản đồ sản xuất chíp, bán dẫn, đổi mới sáng tạo... thế giới.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu phát triển chung đất nước. Trong đó, năm 2024, nước ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu.
Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô trên thế giới, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao; tốc độ tăng trưởng đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực; quy mô GDP đạt 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; thu ngân sách nhà nước ước vượt 19,8% dự toán, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 20,7% dự toán, tăng 16,9% so với năm 2023.
Những thành tựu này là nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn chủ động, quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các chính sách, giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực, cả về kinh tế, thương mại, ngoại giao...
Thủ tướng đã thành lập các tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trước những khó khăn, thách thức khó lường từ bên ngoài. Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kiện toàn Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm trưởng ban, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban.
Trong năm 2024, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ với nhiều cải cách chính sách vượt trội. Điển hình như: việc sửa đổi 4 Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Đầu thầu đã tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, gây vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, tạo “luồng xanh" cho việc triển khai dự án, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính lên đến 260 ngày. Ngoài ra, Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý đầu tư công.
Chính phủ đã nỗ lực phê duyệt và công bố 111/111 quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh. Đây là nguồn thông tin rất quan trọng giúp doanh nghiệp có thể xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, khu vực đầu tư tiềm năng để xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích tiêu dùng và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Những chính sách này thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục và gia tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế, tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nguồn: https://nhandan.vn