Thời gian qua, chính sách về “tam nông” nói chung và tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Xác định đây là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư vốn, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng tín dụng, hỗ trợ nguồn lực, tạo đà thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55); Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55; các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tỉnh đồng bộ khơi thông nguồn vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nếu như trước đây chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay lĩnh vực “tam nông” thì hiện nay trong tỉnh có trên 10 chi nhánh ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cho vay lĩnh vực này. Các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các chương trình tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ hiện thấp hơn khoảng 1% - 2% so với lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Chị Nguyễn Thị Hằng, xã Nhật Tân (Tiên Lữ) cho biết: Gia đình tôi phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lợn, thủy sản. Trước đây tôi tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất khó khăn. Khi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, tôi được vay vốn 150 triệu đồng từ Agribank Chi nhánh Tiên Lữ với thủ tục đơn giản. Nguồn vốn này giúp gia đình phát triển sản xuất, đầu tư trang trại bước đầu cho kết quả tốt.
Hoạt động nghiệp vụ tại Vietcombank Chi nhánh Phố Hiến
Theo tổng hợp số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho thấy, từ khi thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng qua các năm với tỉ lệ tăng khoảng 15%/năm và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tính đến hết tháng 5/2024, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ước đạt 44 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ với trên 153,3 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Bên cạnh đó, tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống đã được các TCTD triển khai mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn. Trong đó, Agribank triển khai trong toàn hệ thống Chương trình tín dụng tiêu dùng phục vụ mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết của khách hàng cá nhân, hộ gia đình như: Các nhu cầu mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, chi phí học tập, khám, chữa bệnh… Với nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng, thời gian sử dụng vốn ngắn và khách hàng chứng minh được nguồn trả nợ sẽ được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm với mức lãi suất hợp lý và giải ngân trong ngày. Chương trình tín dụng tiêu dùng này góp phần đẩy lùi tín dụng “đen” trong khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất còn chậm, làm giảm cơ hội để người nông dân thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng. Không chỉ đối với người nghèo mà một số trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi. Cùng với đó, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi. Một số khách hàng vay vốn theo hình thức tín chấp không có tài sản bảo đảm dẫn đến việc thu hồi nợ chậm, gây khó khăn cho TCTD…
Đồng chí Đặng Sỹ Hoà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: “Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD coi nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng. Các TCTD cần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận chương trình tín dụng này”. Trong tình hình thực tế hiện nay, khi toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, các TCTD cần xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp người nông dân và đặc thù sản xuất nông nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, cung ứng các sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn. Đồng thời cần áp dụng linh hoạt các tài sản bảo đảm thế chấp để vay vốn ngân hàng như: Tài sản trên đất (nhà xưởng), tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư... của hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp và hợp tác xã. Các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên kết hợp với các TCTD tại địa phương thực hiện tốt các chương trình tín chấp vay vốn, hướng dẫn hội viên, khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế. Các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển “tam nông” bền vững.
Nguồn: https://baohungyen.vn