Với thế mạnh trong lĩnh vực “tam nông”, nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của hệ thống ngân hàng và Agribank đã giúp bà con nông dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.
Chị Lưu Thị Toan (thứ hai, từ phải sang) giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh với lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Điện Biên.
NẰM cách thành phố Điện Biên Phủ gần 300 km, Sín Thầu là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Với 250 hộ dân, khoảng 1.400 nhân khẩu là người Hà Nhì, Sín Thầu trước kia được biết đến là xã “4 không” về hạ tầng (không điện, không đường, không trường, không trạm).
Đến năm 2007, Sín Thầu mới có đường ô-tô đến xã, nhưng hôm nay, Sín Thầu đã trở thành xã “6 không” đáng tự hào: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện ma túy; không chặt phá rừng làm nương; không có người du canh du cư, không xuất cảnh trái phép; không sinh con thứ ba; không theo tà đạo, tôn giáo lạ; không có truyền đạo trái phép.
Từ chỗ 80% số hộ dân là hộ nghèo, đến nay Sín Thầu là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện Mường Nhé, chỉ còn 20,83%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 73%; thu nhập bình quân đầu người 26 triệu đồng/năm. “Có được những thành quả này trên hành trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Chính phủ qua các chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn của Ngân hàng Agribank đóng vai trò quan trọng, giúp nhiều người dân ở xã đầu tư làm ăn kinh tế”, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mý Lế chia sẻ.
Theo bà Pờ Mý Lế, nguồn vốn ngân hàng đã giúp nhiều người dân đầu tư kinh tế trang trại, đem lại nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống. Không chỉ ở những xã khó khăn như Sín Thầu, trên địa bản tỉnh Điện Biên nói chung, Agribank trở thành nơi cung cấp nguồn vốn chủ lực cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ những hộ nông dân làm ăn nhỏ lẻ cho đến mô hình sản xuất lớn, đơn cử như trang trại nông nghiệp của anh chị Huy-Toan, sống tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên.
Theo chia sẻ của chị Lưu Thị Toan, gia đình anh chị bắt đầu đầu tư trang trại nuôi lợn thịt từ năm 2015. Tiếp đó, gia đình trồng thêm cây ăn quả như ổi, bưởi da xanh, mở rộng diện tích chuồng nuôi lợn giống, lợn thịt và gà đẻ. Đến nay, quy mô trang trại của anh chị lên tới hơn 10 ha với tổng sản lượng là 350 lợn nái, 1.000 lợn con, 2.200 lợn thịt, 15.000 gà đẻ trứng và 1.500 gà thịt; giá trị đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. Hiện nay, anh chị có dư nợ tại Agribank chi nhánh huyện Điện Biên là 9 tỷ đồng.
Trang trại nông nghiệp của anh chị Huy-Toan đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động và nhiều lao động thời vụ khác; đồng thời thực hiện bao tiêu ngô, sắn cho bà con trong vùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đáng chú ý, trong năm mới 2024, chị Toan bày tỏ mong muốn tiếp tục được ngân hàng đồng hành, hỗ trợ tín dụng để gia đình chị tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
“Thật sự nếu không có “bà đỡ” ngân hàng, vợ chồng tôi khó có được quy mô trang trại như hiện nay. Tôi mong muốn được tiếp tục tiếp cận nguồn vốn lãi suất phù hợp, vòng quay vốn dài hơn để có thể thu mua thêm nhiều nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao tiêu nông sản cho bà con địa phương, đồng thời mở rộng thị trường cung cấp trứng, lợn thịt và hoa quả tới các tỉnh, thành phố trong cả nước”, chị Toan chia sẻ.
Thực tế trong nhiều năm qua, Agribank chi nhánh tỉnh Ðiện Biên luôn dành tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân khoảng hơn 55% tổng dư nợ. Nguồn vốn từ Agribank đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên, việc đẩy mạnh thực hiện các chính sách tín dụng trong lĩnh vực “tam nông” đã góp phần đa dạng ngành nghề, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến đến đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn.
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn cũng đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, nhiều hộ nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, từ đó góp phần phát triển kinh tế hộ, nhiều gia đình đã có thu nhập cao; các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có nhiều khởi sắc trong kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Số liệu từ Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên cho thấy, đến hết ngày 31/12/2023, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 7.133 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 3.983 tỷ đồng, chiếm 55,85%/tổng dư nợ. Đến ngày 31/12/2023, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên đã miễn giảm lãi cho 252 khách hàng, tổng số tiền lãi giảm 2,1 tỷ đồng theo chính sách miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19; giảm lãi suất cho 5.328 khách hàng với dư nợ 896 tỷ đồng, tổng số tiền lãi giảm 1,69 tỷ đồng theo chương trình giảm lãi suất cho vay bằng VND hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Agribank; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ đến ngày 31/12/2023 đạt 414 tỷ đồng, với 3.757 khách hàng; dư nợ cho vay qua tổ vay vốn đến hết năm 2023 đạt 1.156 tỷ đồng, với 866 tổ và 10.498 khách hàng còn dư nợ.
Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết, với đặc thù một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân khu vực nông thôn, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên đã mở rộng cho vay thông qua các tổ vay vốn, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ký kết thỏa thuận liên ngành để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Cách làm này góp phần giảm áp lực công việc cho cán bộ tín dụng, tiết kiệm thời gian cho khách hàng vay; đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh vốn trên thị trường nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, để dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được khơi thông, Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay theo chuỗi liên kết; đồng thời, đẩy mạnh phương thức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn, vận hành hiệu quả ngân hàng lưu động,...
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, bảo đảm an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.
Nguồn: https://nhandan.vn