KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 23/03/2024 - Lượt xem: 404
Tạo động lực để thanh niên đổi mới sáng tạo

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 275 nghìn người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 45% lực lượng lao động của tỉnh. Nhìn nhận đúng vai trò của thanh niên, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

“Cú hích” từ Đề án Hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp
Ngày 14/5/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1134/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp giai đoạn 2018-2022, trong đó giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện... Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, 1 văn phòng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, 1 tổ tư vấn, hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp và 1 câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp được thành lập; 38 lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và 3 Ngày hội thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp được tổ chức, thu hút trên 8,9 nghìn lượt ĐVTN, sinh viên tham gia; 12 mô hình khởi nghiệp của ĐVTN đã được tỉnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng... Ngoài ra, tổ chức Đoàn các địa phương còn phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả trên 1,9 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh quản lý, điều hành dự án vay vốn của thanh niên với số dư nợ ủy thác trên 200 tỷ đồng...
Học sinh Trường THPT Chuyên Hưng Yên nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật
Bên cạnh đó, qua 2 cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp đã thu hút gần 100 đề tài của các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao như: Dự án khởi nghiệp bằng công cụ tối ưu hệ điều hành mã nguồn mở Osteup của nhóm học sinh trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm); Dự án “Ứng dụng Công nghệ Blockchain trong thương mại điện tử” của tác giả Trần Văn Trường (Ân Thi); Dự án “Chăn nuôi hiệu quả cao áp dụng công nghệ 4.0” của tác giả Phạm Hồng Sơn (thành phố Hưng Yên)... Tại cuộc thi năm 2018, Ban tổ chức cuộc thi còn kết nối được một số doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 1,3 tỷ đồng cho 4 ý tưởng, dự án đoạt giải.
Sáng tạo, khởi nghiệp đã và đang trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong lực lượng ĐVTN nói riêng và ở các địa phương trong tỉnh nói chung. Nhiều ĐVTN dám nghĩ, dám làm và thành công trên con đường đã chọn, điển hình như: Phạm Hồng Sơn (thành phố Hưng Yên), Lý Bá Thể (Văn Giang), Nguyễn Văn Tú (Kim Động)…
Thanh niên tiên phong chuyển đổi số
Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng thanh niên có thêm những cơ hội mới để khẳng định tu duy, năng lực ứng dụng công nghệ số trong khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao hiệu quả làm việc ở vị trí công việc họ đang đảm nhiệm. 
Năm 2022, Sở Nội vụ chính thức vận hành Hệ thống phần mềm đánh giá công chức, viên chức, người lao động (CC,VC,NLĐ). Đây là kết quả sau gần 2 năm Sở Nội vụ cùng với đơn vị tư vấn xây dựng, thử nghiệm một cách nghiêm túc, tỉ mỉ, trong đó có vai trò xung kích của các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trên hệ thống phần mềm, mỗi CC,VC,NLĐ được cấp 1 tài khoản cá nhân để nhận nhiệm vụ cấp trên giao, xử lý công việc và khớp lệnh kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ. Làm việc trên môi trường số, từng CC,VC,NLĐ và lãnh đạo quản lý cùng theo dõi tiến độ giải quyết công việc, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhiệm vụ đều hoàn thành đúng và trước hạn.
Còn tại VNPT Hưng Yên, ĐVTN luôn là lực lượng tiên phong trong nghiên cứu phát triển các dịch vụ nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Với sức đóng góp quan trọng của các ĐVTN, đến nay, VNPT Hưng Yên triển khai hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử tới UBND các cấp trên địa bàn tỉnh; triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu Đề án 06 của Chính phủ; ứng dụng triển khai tổng đài 1022 và App 1022 Hưng Yên giúp tăng tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; nhân rộng ứng dụng Văn phòng điện tử VNPT- iOffice tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...
Trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tạo động lực cho thanh niên tiên phong, sáng tạo trong chuyển đổi số (CĐS), ngày 23/3/2023, UBND tỉnh tổ chức cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với thanh niên có chủ đề "Thanh niên tỉnh Hưng Yên với chuyển đổi số”. Tại hội nghị đối thoại, nhiều ĐVTN đã thẳng thắn phát biểu ý kiến xung quanh các vấn đề như: Giáo dục - đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên số; thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao; tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên không gian mạng...
Một năm chưa phải là dài để thực hiện chủ trương, chính sách, nhất là chính sách khó và mới như CĐS, ứng dụng công nghệ số. Song, với những “đòn bẩy” chính sách của tỉnh và sự đồng hành của các sở, ngành: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, UBND các địa phương, thanh niên Hưng Yên đã và đang hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược, Chương trình phát triển thanh niên bằng những công trình, dự án, phần việc cụ thể, thiết thực. Điển hình như: Mô hình “Số hóa địa chỉ đỏ” của Thị đoàn Mỹ Hào; Mô hình dân vận khéo “Chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp” của Đoàn xã Nhật Quang (Phù Cừ); Mô hình ứng dụng CĐS của Trường THCS Đức Hợp (Kim Động)...
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến CĐS; 380 doanh nghiệp ngành nghề chính là điện tử viễn thông, công nghệ thông tin. Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo, xây dựng các dự án CĐS có sức đóng góp không nhỏ của lực lượng lao động trẻ. Nhiều doanh nghiệp như: VNPT Hưng Yên, Viettel Hưng Yên, Điện lực Hưng Yên... đã phát huy được tinh thần xung kích của thanh niên phát triển được nhiều phần mềm, ứng dụng tiện ích như: Các phần mềm quản lý và điều hành; trung tâm điều hành thông minh; mô hình chợ 4.0; lắp đặt, vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến...
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về Chương trình CĐS tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: CĐS là công cụ quan trọng, xu hướng tất yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đặt ra, rất cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần xung kích, sáng tạo của lực lượng ĐVTN.
Năm 2024, hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với thanh niên có chủ đề “Thanh niên tỉnh Hưng Yên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là cơ hội tốt để ĐVTN nắm rõ hơn các chính sách của Nhà nước, của tỉnh để tiếp tục tiên phong đổi mới, sáng tạo trên chính vị trí công tác, nghề nghiệp của mình để lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan