Phát biểu thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Đồng thời cho rằng, việc thành lập có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này là bước thể chế hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, kết luận quan trọng khác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) phát biểu 
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) nêu rõ, để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội của Thành phố Huế, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương cần đặc biệt quan tâm tạo sinh kế, hướng dẫn đào tạo nghề nghiệp cho nhóm người dân không còn đất do chuyển đổi cơ cấu; quan tâm việc làm đối với nhóm lao động phi chính thức.

Đại biểu cũng cho rằng, thành lập thành phố trực thuộc Trung ương tất yếu dẫn đến sự chuyển đổi về cơ cấu xã hội, nghề nghiệp, đặc biệt với nhóm nông dân. Thực tiễn trong nước và quốc tế đã cho thấy quá trình chuyển đổi này sẽ xuất hiện một nhóm “nông dân không đất” (do đô thị hóa) sinh sống trong thành phố song chưa được đào tạo nghề hoặc chưa đủ khả năng tham gia thị trường lao động của một đô thị lớn, hiện đại. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể, căn cơ để giải quyết việc làm bền vững cho nhóm nông dân không có đất sản xuất, lao động phi chính thức.

Mặt khác, các thành phố trực thuộc Trung ương luôn thu hút một lượng di dân lớn cũng như khách du lịch, gây áp lực không nhỏ lên cơ sở hạ tầng xã hội (đặc biệt là nhà ở, y tế, giáo dục và vệ sinh môi trường...). Huế là nơi có nhiều công trình kiến trúc và nhiều di sản văn hóa, trong khi đó, hồ sơ Đề án chưa trình bày cụ thể được những nội dung này trong phần định hướng phát triển văn hóa xã hội.

Mặt khác, thành phố trực thuộc Trung ương và các quận trực thuộc sau khi được thành lập sẽ tăng khối lượng thủ tục hành chính liên quan đến kê khai, thay đổi địa chỉ, giấy tờ tùy thân... Việc phát triển lên đô thị trực thuộc Trung ương cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế còn hạn chế.

Để giải quyết những vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh, cần năng lực tổ chức bộ máy tốt, hiện đại cũng như chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nêu rõ, Huế là địa danh lịch sử, có vai trò lịch sử quan trọng, có dấu ấn đậm nét sâu sắc trong suốt chiều dài văn hoá nước ta. Cả nước đều mong muốn địa danh này có dấu ấn phát triển xứng tầm với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Đó là nguyện vọng chung của cả nước, cũng là sự cố gắng phấn đấu của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn đặt ra.
Cũng theo đại biểu, mô hình tổ chức chính quyền đô thị cũng do Quốc hội ban hành. Vì thế nên cho Huế được thực hiện tổ chức chính quyền đô thị nhằm tạo lợi thế để Huế phát triển như đối với Hải Phòng.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phát biểu 
Đại biểu Đặng Ngọc Huy (Đoàn Quảng Ngãi) nhấn mạnh, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có đầy đủ các cơ sở chính trị và thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, trong Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương nên xác định luôn mô hình tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Huế, như vậy sẽ không cần ban hành riêng một Nghị quyết mới của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố Huế.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng đề nghị Chính phủ nên nên nghiên cứu có luật về tổ chức chính quyền đô thị, luật về tổ chức chính quyền nông thôn. Như vậy sẽ rõ, đô thị loại đặc biệt sắp xếp như thế nào, đô thị loại 1 sắp xếp ra sao? Hiện nay, việc thí điểm chính quyền đô thị ở nhiều nơi: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, trong khi các mô hình này cũng khác nhau, chưa có mô hình chung.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Phú Bình (Đoàn Nghệ An) nêu rõ thành phố Huế là thành phố đầu tiên trực thuộc trung ương có đường biên giới với nước ngoài. Các xã biên giới đều là khu vực đặc thù và có quy định riêng đối với công tác quản lý và tổ chức chính quyền. Do đó, nếu như thành phố Huế xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cần nghiên cứu quy định đặc thù đối với các xã biên giới. Đây là điểm rất khác biệt nếu muốn xây dựng chính quyền đô thị mang tính thống nhất trên toàn quốc, song Đề án của Chính phủ chưa làm rõ. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm vấn đề này.
Một số đại biểu cho biết, việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có một số đối tượng bị ảnh hưởng như các em học sinh thi tốt nghiệp THPT. Theo chính sách hiện hành, các em học sinh thi tốt nghiệp THPT ở khu vực 2 nông thôn sẽ được cộng 0,5 điểm; nếu như chuyển địa giới hành chính thành các huyện, thị xã trực thuộc Trung ương thì chỉ được cộng 0,25 điểm. Do đó, đề nghị xem xét có thêm điều khoản thi hành, làm sao để chuyển tiếp các chính sách đặc thù, tránh gây tác động, ảnh hưởng đến các em./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/