KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 17/11/2024 - Lượt xem: 99
Tạo nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Năm 2023, do không bảo đảm tiêu chí về nghèo đa chiều (tiêu chí số 11), xã Quảng Lãng (Ân Thi) chưa hoàn thành mục tiêu được công nhận xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Với quyết tâm được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao đợt 1 năm 2024, thời gian qua, xã Quảng Lãng đã có nhiều giải pháp tích cực để hoàn thành tiêu chí này. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 0,92%, đạt yêu cầu tiêu chí.

Xưởng mộc của gia đình ông Đặng Văn Quang, xã Quảng Lãng (Ân Thi)

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tạo nguồn lực mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo bền vững, xã  tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của công ty, doanh nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, xã tiếp tục đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi… Đến nay, trên 70% diện tích gieo cấy lúa của xã gieo cấy giống lúa chất lượng cao; 20% diện tích được gieo cấy bằng máy cấy. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xã khuyến khích người dân phát triển các ngành nghề như: May mặc, cơ khí, mộc, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ… Với định hướng phát triển đó, đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đã tăng trưởng theo hướng tăng tỉ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Toàn xã có trên 600 hộ dân phát triển kinh tế từ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 

Mô hình sản xuất đồ gỗ của gia đình ông Đặng Văn Quang được đầu tư quy mô, hầu hết các công đoạn đều được áp dụng bằng máy. Ông Quang cho biết: Gia đình tôi làm nghề mộc hơn 30 năm nay. Sau nhiều lần được tham gia tập huấn; được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi, năm 2001, tôi mở rộng xưởng sản xuất, đầu tư thêm máy, thiết bị. Đến nay, xưởng sản xuất gỗ của gia đình hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương. Lợi nhuận hằng năm đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Với quan điểm, giảm nghèo phải đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội và phải có sự phối hợp, gắn trách nhiệm với các đoàn thể, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện thì mới đạt kết quả cao, xã đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với công tác giảm nghèo. Theo đó, các hội, đoàn thể trong xã thường xuyên chăm lo đời sống hội viên bằng những hoạt động thiết thực như: Tín chấp tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; thăm, tặng quà hằng năm; hỗ trợ xây, sửa nhà ở… Hiện nay, các hội, đoàn thể trong xã tín chấp với các tổ chức tín dụng trên 23 tỷ đồng cho gần 200 hội viên vay. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chị Đoàn Thị Loan, thôn Bình Cầu là một trong những hộ vừa thoát nghèo, chia sẻ: Trước đây, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, bản thân tôi không có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ cây giống và vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có điều kiện để phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt.

Cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế, quan tâm đời sống người dân, xã Quảng Lãng tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Với trên 70 tỷ đồng đã được chi trả hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân có đất thu hồi, đây là nguồn kinh phí giúp nhiều hộ gia đình có khoản tích lũy, chuyển đổi nghề, đầu tư cho sản xuất, lao động hoặc mua sắm phương tiện, thiết bị, vật dụng trong gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Bằng những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, từ đầu năm đến nay, xã có thêm 27 hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2024 ước đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổn định chiếm 87,5% số lao động trong độ tuổi lao động.

Đồng chí Vũ Huy Võ, Chủ tịch UBND xã Quảng Lãng cho biết: Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo. Đồng thời, nhân rộng những mô hình giảm nghèo; đẩy mạnh phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan