KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 01/02/2024 - Lượt xem: 386
Tất bật thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), những ngày này, các hộ dân nuôi cá chép đỏ trong tỉnh tất bật thu hoạch cá để kịp cung cấp ra thị trường.

Thu hoạch cá chép đỏ tại HTX nuôi trồng thuỷ sản xã Hạ Lễ (Ân Thi)
Hằng năm, cứ đến gần ngày Tết ông Công, ông Táo, gia đình anh Hoàng Văn Hưng, xã Hạ Lễ (Ân Thi) lại xuất bán khoảng 3 tấn cá chép đỏ ra thị trường. Nhanh tay kéo lưới, trong nụ cười tươi, anh Hưng cho biết: Từ 5 năm nay, gia đình tôi kết hợp nuôi cá chép đỏ với cá thương phẩm để phục vụ thị trường. Tháng 6 hằng năm, tôi thả giống nuôi cá chép đỏ, cá chép Tam Dương với khối lượng khoảng 3 nghìn con/kg. Khi nuôi cá mật độ dày, tôi chú trọng thay đổi môi trường nước, tạo thêm ôxy bằng cách dùng sủi hoặc bơm té để tăng nồng độ ôxy trong nước. Cùng với đó, chủ động phòng bệnh cho cá bằng cách rắc vôi bột đều đặn 2 lần/tháng, để khử trùng ô nhiễm nước và diệt khuẩn, tảo… Sau 6 tháng nuôi, cá chép đỏ đạt 20 - 30 con/kg, màu sắc đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vảy ánh đẹp, khỏe mạnh, nhìn rất bắt mắt. Cứ khoảng từ rằm tháng Chạp là gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cá chép đỏ để thương lái về mang đi tiêu thụ. Hiện nay, giá cá chép đỏ bán tại ao trung bình 90 - 95 nghìn đồng/kg và đã được thương lái đặt mua hết.
Những ngày này, thương lái về thu mua cá chép đỏ của gia đình ông Trần Quang Vinh, xã Minh Tân (Phù Cừ). Ông Vinh chia sẻ: Thức ăn cho cá chép đỏ khá đơn giản, ít tốn kém, có thể tận dụng cỏ, rau băm kết hợp cho ăn thêm cám viên hoặc sử dụng cám viên nuôi thẳng. Cá chép đỏ có sức đề kháng tốt nên trong quá trình nuôi ít gặp rủi ro, thời gian nuôi ngắn hơn so với các loại cá thương phẩm nên nhanh cho thu hoạch. Để bảo đảm sức khỏe cho cá và không bị trầy xước vây, vảy trong quá trình thu hoạch, tôi thường kéo lưới lúc sáng sớm khi cá còn đói. Tùy vào nhu cầu thị trường hằng năm mà thương lái thu mua cá chép đỏ với giá từ 85 - 110 nghìn đồng/kg. Sau khoảng 7 tháng nuôi thả, cá chép đỏ cho thu nhập khoảng 8 triệu/sào ao nuôi.
Theo đánh giá của các hộ dân nuôi thả thủy sản, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên cá chép đỏ sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hạn chế mắc bệnh nấm mang như những năm trước, được thương lái đánh giá cao. Ông Đinh Văn Quân, thương lái ở thành phố Hà Nội cho biết: Nhiều năm nay, tôi thường về Hưng Yên để đặt mua cá chép đỏ phục vụ thị trường ngày 23 tháng Chạp. Để bảo đảm cá vận chuyển đi xa, tôi thỏa thuận với chủ ao kéo cá vào sáng sớm, lọc từng biểu cá để thuận lợi cho việc mua – bán. Sau đó, cá sẽ được cho vào bể sủi, dưỡng sức 1 – 3 ngày cho cá khỏe lại, tiêu hóa hết thức ăn mới mang đi tiêu thụ. Khi ấy, cá đến tay khách hàng bảo đảm khỏe mạnh, mắt trong, vảy đều, đẹp…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, một số hợp tác xã, hộ gia đình nuôi thả thủy sản trong tỉnh đã kết hợp nuôi thêm cá chép đỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15 héc – ta nuôi thả cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo, tập trung ở 2 huyện: Ân Thi, Phù Cừ. Năm nay, sản lượng cá chép đỏ của tỉnh đạt khoảng 70 tấn, thị trường tiêu thụ ở trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... Mặc dù cá chép đỏ chủ yếu tiêu thụ 1 lần/năm nhưng hiệu quả kinh tế cao từ 2 lần trở lên so với nuôi thả thủy sản thương phẩm. Đây cũng là một hướng đi mới của người dân góp phần nâng cao thu nhập, đa dạng nguồn lợi thủy sản, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan