Phiên khai mạc hội thảo khoa học quốc tế “Thách thức của Việt Nam: Hướng tới quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045” đã khai mạc sáng 24/10, tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng).
Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND Thành phố Đà Nẵng, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng, đại diện các cơ quan quản lí của Việt Nam và Nhật Bản, cùng gần 200 chuyên gia, nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu,… ở Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực.
Theo GS. Tetsuya Watanabe - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA): “Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021, mục tiêu "hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045" đã được đề ra. Để hỗ trợ đạt được mục tiêu lớn lao này, với sự tư vấn của Đại sứ Nhật Bản lúc bấy giờ, ERIA đã dành hai năm để hợp tác với 30 chuyên gia từ nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Việt Nam, để biên soạn báo cáo mang tên “Việt Nam 2045: Các vấn đề và thách thức đối với phát triển”. Nội dung báo cáo chính có tổng cộng 21 chương, khoảng 600 trang. Cấu trúc của báo cáo bao gồm: Phần 1: Các vấn đề lịch sử và mô hình phát triển của Việt Nam; Phần 2: Các ngành công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng hướng tới năm 2045; Phần 3: Tính bền vững và các vấn đề xã hội; Phần 4: Kết luận và khuyến nghị chính sách”.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhận định: “Những đóng góp học thuật và tư vấn chính sách từ các cơ quan nghiên cứu, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) thông qua báo cáo này, đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam”.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin: Trong định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố sẽ tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế chính gồm: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Thành phố Đà Nẵng cũng đang triển khai các giải pháp phát triển đô thị thông minh, sáng tạo và bền vững nhằm trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng của miền Trung và cả nước...
|
Các đại biểu dự Hội thảo.
|
Hội thảo được chia thành 4 phiên làm việc và 1 diễn đàn, quy tụ 14 báo cáo chuyên đề là những góc nhìn sâu sắc về kinh tế của Việt Nam. Trong đó, phiên khai mạc về đường hướng phát triển với các tham luận: Việt Nam: Mô hình để theo đuổi trong phát triển cân bằng; Về các vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách để tránh bẫy thu nhập trung bình; Làn sóng mới của chuyển đổi số (DX), Cách mạng công nghiệp 4.0 (4IR), Internet vạn vật (IOT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) như là động lực cho Việt Nam.
Các phiên tiếp theo gồm những tham luận bàn về tác động của môi trường bên ngoài, động lực để phát triển công nghiệp và các vấn đề mới liên quan mục tiêu phát triển của Việt Nam đến 2045 như: Chính sách tự chủ và thích ứng chiến lược để phát triển của Việt Nam trong thời kỳ mới; Làm thế nào để đối phó với căng thẳng địa chính trị? Từ quan điểm của Việt Nam và ASEAN; Sự gia tăng bất định và điều chỉnh FDI - tác động đối với Việt Nam; FDI và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam; Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam; Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Cung cấp năng lượng và nền kinh tế xanh ở Việt Nam;…
Tham luận “Mô hình Việt Nam: hướng đi cho sự phát triển cân bằng” của TS. Võ Trí Thành - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam; Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phản ánh quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời nêu bật những cải cách quan trọng kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới; phân tích những hoàn cảnh đang thay đổi mà Việt Nam hiện phải đối mặt và những thách thức mà đất nước cần vượt qua để tiến xa hơn. Đồng thời, nghiên cứu cũng khám phá khái niệm Mô hình Việt Nam của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nhận vai trò của cạnh tranh lành mạnh và vai trò trung tâm của kinh tế nhà nước. Nhìn về phía trước, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Các hành động chính sách quan trọng bao gồm tăng cường năng lực công, cải thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tái cơ cấu, nâng cao phát triển nguồn nhân lực và củng cố Hệ thống Đổi mới Quốc gia để vượt qua 'bẫy thu nhập trung bình' và đạt được các mục tiêu phát triển.
Dẫn số liệu Việt Nam đã bước vào nhóm thu nhập trung bình thấp vào năm 2008, với thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người đạt 3.560 USD vào năm 2021, tham luận “Về vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng: Chính sách tránh bẫy thu nhập trung bình” của GS. Trần Văn Thọ - Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và vai trò của cải cách thể chế trong việc duy trì tăng trưởng. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt được tăng trưởng dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cải thiện thị trường yếu tố sản xuất, nâng cao giáo dục và đào tạo, cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
|
Báo cáo “Làn sóng mới về chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, IoT và AI như động lực thúc đẩy Việt Nam” của ông Nguyễn Ánh Dương – Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế trung ương, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển công nghiệp của Việt Nam. Trong đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đặt trọng tâm mạnh mẽ vào đổi mới và chuyển đổi số. Sự phát triển của nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu nhập, với mục tiêu cuối cùng là đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được nền kinh tế số, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức, bao gồm cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, ban hành các luật cơ bản để hỗ trợ chuyển đổi số, và phát triển nguồn nhân lực am hiểu công nghệ số.
Theo GS. Yasuhiro Yamada - Thành viên cao cấp về chính sách ERIA, Việt Nam đã duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao kể từ đầu những năm 1990, nhờ vào các cải cách kinh tế và sự mở cửa với thế giới. Tăng trưởng thu nhập quốc dân thực (GNI) bình quân đầu người hàng năm đã liên tục ở mức khoảng 5,0% từ năm 1995 đến 2019, vượt trội hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Để đạt được trạng thái thu nhập cao vào năm 2045, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm phải tăng lên 5,4%, yêu cầu phải nâng cao năng suất và cải tiến công nghiệp. Kinh tế cần chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên đầu vào sang tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh vào vốn nhân lực, hiệu quả thị trường lao động và vốn, cạnh tranh và ứng dụng công nghệ. Công nghệ số đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Các ngành công nghiệp chính như điện tử, nông nghiệp tiên tiến, dệt may, các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số (DX), ô tô, chăm sóc sức khỏe và năng lượng dự kiến sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế tuần hoàn.../.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/