KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 12/07/2024 - Lượt xem: 327
Thách thức và triển vọng cho thị trường gạo châu Á

Một quản lý tại công ty bán buôn gạo lớn cho biết thị trường gạo đã mất cân bằng cung cầu từ khoảng cuối năm 2023, đồng thời lưu ý rằng đã có trường hợp gián đoạn nguồn cung.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá gạo châu Á đã đạt mức kỷ lục trong tháng Một và hiện vẫn duy trì gần mức cao, do thời tiết bất lợi khiến sản lượng sụt giảm. Tuy nhiên, triển vọng nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang củng cố đồn đoán nguồn cung sẽ gia tăng và giá sẽ giảm bớt.

Thời tiết khắc nghiệt

2023 là một năm khó khăn đối với những người sản xuất lúa gạo châu Á do nắng nóng kỷ lục trong mùa Hè. Tại Nhật Bản, thời tiết khắc nghiệt khiến sản lượng thu hoạch lúa phục vụ nhu cầu lương thực giảm 91.000 tấn so với một năm trước xuống còn 6,61 triệu tấn.

Một quản lý tại công ty bán buôn gạo lớn cho biết thị trường gạo đã mất cân bằng cung cầu từ khoảng cuối năm 2023, đồng thời lưu ý rằng đã có trường hợp gián đoạn nguồn cung.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, sản lượng vụ thu hoạch gạo đáp ứng nhu cầu lương thực thiết yếu trong năm 2024 sẽ vào khoảng 6,69 triệu tấn.

Tại Ấn Độ, từ đầu mùa mưa cho đến nay, lượng mưa giảm khoảng 20% so với thông thường, cảnh báo những khó khăn đối với ngành nông nghiệp của quốc gia Nam Á này.

Mùa mưa đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp của Ấn Độ, đặc biệt đối với trồng lúa. Được ví như là "huyết mạch" nuôi sống hoạt động canh tác nông nghiệp của Ấn Độ, mùa mưa đem lại gần 70% tổng lượng nước mà nước này cần cho các hoạt động trồng trọt cũng như nạp vào hồ chứa và các tầng nước ngầm.

Tuy nhiên, số liệu của Cơ quan khí tượng Ấn Độ cho thấy, lượng mưa tại quốc gia Nam Á này từ đầu tháng Sáu đến nay giảm khoảng 20% so với lượng mưa thông thường của các năm trước đó. Tình trạng này xảy ra đối với hầu hết khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Bắc.

Triển vọng nguồn cung

Bất chấp những ảnh hưởng của thời tiết đến sản lượng gạo, động thái gần đây của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới có thể làm gia tăng nguồn cung gạo thế giới.

Theo những nguồn tin thân cận, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nới lỏng chính sách hạn chế xuất khẩu một số loại gạo để tránh tình trạng dư thừa trong nước trước khi vụ mùa mới bắt đầu vào tháng Mười.

Cụ thể, Ấn Độ đang xem xét cho phép xuất khẩu gạo trắng với mức thuế cố định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có thể bãi bỏ mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và áp dụng mức thuế cố định để ngăn chặn việc lập hóa đơn thấp cho hàng hóa.

Ấn Độ đã hạn chế bán các loại gạo chủ chốt kể từ năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát lương thực. Tháng 7/2023, Chính phủ Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường, chỉ xuất khẩu theo giấy phép đối với một số quốc gia nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Cuối tháng 8/2023, Chính phủ Ấn Độ lại áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ (có hiệu lực đến ngày 15/10/2023) và quy định giá tối thiểu 1.200 USD/tấn đối với gạo basmati xuất khẩu.

Giữa tháng 10/2023, Ấn Độ quyết định gia hạn thuế xuất khẩu gạo đồ đến ngày 31/3/2024, sau đó đến cuối tháng 2/2024 lại đổi thành không xác định thời hạn.Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy chính sách trên khiến lượng dự trữ gạo của Ấn Độ lên mức kỷ lục.

Các chuyên gia nhận định động thái của Ấn Độ nhằm nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đều có thể giúp hạ nhiệt giá gạo châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm vào tháng Một và giữ ở mức cao lịch sử kể từ đó.

Đây sẽ là tin tốt cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc vào quốc gia Nam Á này để đáp ứng hầu hết các nhu cầu về lương thực thiết yếu.

Thống kê cho thấy Ấn Độ vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong 5 tháng đầu năm nay với 7,2 triệu tấn, giảm 25,4%; tiếp theo là Thái Lan 4,06 triệu tấn, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Việt Nam 4,03 triệu tấn, tăng 11,2%; Pakistan 3,02 triệu tấn, tăng 72,5%; và Mỹ 1,5 triệu tấn, tăng 66,7%.

Giá gạo sẽ giảm?

Phiên 11/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đứng ở mức 565-570 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7/2023. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 570-575 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng Tư.

Ngoài triển vọng nguồn cung gia tăng từ Ấn Độ, một thương nhân tại Bangkok cho biết Philippines đang cân nhắc thay đổi chính sách nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu. Thương nhân này cho biết thêm, thị trường sẽ có nguồn cung gạo mới trong tháng này và có thể khiến giá gạo giảm thêm trong những tuần tới.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, các nhà mua châu Phi rất nhạy cảm về giá và họ đang hạn chế mua hàng do cước phí vận tải tăng.

Trong khi đó, theo các quan chức từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, mặc dù nước này đã phê duyệt nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo, nhưng tính đến tháng 4/2024, vẫn chưa có lô gạo nào được nhập khẩu vào nước này. Chính phủ Bangladesh đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá gạo.

Giá gạo ở Bangladesh ở mức cao dù năng suất và dự trữ dồi dào.Theo Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2024-2033 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố mới đây, sản lượng gạo thế giới sẽ tăng 11% trong 10 năm tới để đạt 587 triệu tấn vào năm 2033, nhờ năng suất tốt hơn.

Tại châu Á, nơi tập trung phần lớn sản lượng gạo của thế giới, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới. Trung Quốc sẽ đứng ở vị trí thứ hai, tiếp theo là Indonesia, Thái Lan và Việt Nam.

Về xuất khẩu, xuất khẩu gạo từ Nam Á và Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,8% trong thập kỷ tới, cho phép khu vực này tiếp tục mở rộng thị phần xuất khẩu toàn cầu lên 86%./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan