Những ngày vừa qua, thời tiết chuyển nồm ẩm, sương mù xuất hiện nhiều giờ trong ngày, kết hợp với khói, bụi gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nặng ở cả khu vực miền Bắc nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Kết quả theo dõi của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.
Theo thông tin của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận dao động chủ yếu ở mức trên 150 đến trên 200 đơn vị, mức rất xấu, cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe tới tất cả mọi người. AQI (Air Quality Index) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hằng ngày. Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí, cho biết không khí xung quanh là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm đến mức độ nào. Rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng càng cao khi chỉ số AQI càng lớn. Chỉ số AQI tập trung vào sự ảnh hưởng tới sức khỏe người dân có thể gặp trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi hít thở không khí ô nhiễm. Ngày 6/3, chỉ số AQI trên địa bàn tỉnh được ghi nhận ở mức 152 đến 155, cá biệt có nơi lên tới trên 300 (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm).
Theo báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index - EPI) do Tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu châu Á, tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM 10, PM 2,5).
Dù hơn 8 giờ sáng, nhiều tuyến đường ở thành phố Hưng Yên vẫn dày đặc sương mù,
chất lượng không khí kém
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã được đầu tư xây dựng 2 trạm quan trắc không khí. Qua số liệu quan trắc tự động nhận được tại các trạm thời gian gần đây cho thấy, tình trạng các thông số vượt quy chuẩn vẫn diễn ra với các chỉ số như: Bụi mịn (PM-2,5 và PM-1); SO2; NO2... Đặc biệt các thành phần như khói, bụi... thường không ổn định vào các thời điểm trong ngày và các khu vực khác nhau, nhiều thời điểm không khí có các chỉ số vượt chuẩn cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đặc biệt trong những ngày thời tiết có sương mù, không khí khó lưu thông, các chất ô nhiễm tồn tại lâu trong môi trường không khí, người dân cần thận trọng khi tới những nơi có hoạt động xây dựng, nơi đông phương tiện giao thông.
Ngoài các trạm quan trắc không khí thông thường, trên địa bàn tỉnh có 6 trạm quan trắc khí thải tự động đặt tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. Số liệu quan trắc khí thải tự động được tiến hành thường xuyên, liên tục và truyền tải thông số trực tiếp về đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo số liệu quan trắc của những tháng đầu năm 2024, khí thải tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp có trạm quan trắc khí thải tự động, hầu hết các trạm quan trắc, chất lượng khí thải tại nhiều thời điểm có những thành phần không đạt, vượt tiêu chuẩn cho phép như: SO2, CO, NOx... Đối với các thông số vượt tiêu chuẩn, Sở Tài nguyên và Môi trường có phản hồi trực tiếp tới doanh nghiệp, yêu cầu khắc phục; vi phạm nhiều lần sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Ô nhiễm môi trường không khí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, gây ra các bệnh như tim mạch, ung thư, hen suyễn, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, trầm cảm ở trẻ nhỏ... Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm môi trường không khí gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm. Đồng chí Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để khắc phục ô nhiễm không khí hiệu quả nhất chính là thay đổi thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường sống như: Trồng nhiều cây xanh, xử lý triệt để khí thải công nghiệp, không gây ra các hoạt động nhiều khói và bụi, xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác bừa bãi, sử dụng phương tiện công cộng để giảm khí thải…
Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 200 - 300) như sau: Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích các hoạt động trong nhà; tránh các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao, nếu phải hoạt động nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt... cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Nguồn: https://baohungyen.vn