Những năm gần đây, do biến động bất thường của thời tiết, mưa lớn thường xuyên xảy ra, cùng với đó, tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ đã gây áp lực cho hệ thống công trình thuỷ lợi. Nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, thành phố Hưng Yên đã chủ động các phương án ứng phó với lụt, bão, úng.
Thành phố Hưng Yên có diện tích tự nhiên hơn 7,3 nghìn héc-ta. Trong đó, vùng trong đê sông Hồng có diện tích tự nhiên hơn 3,4 nghìn héc-ta, còn lại là vùng ngoài đê sông Hồng (vùng bãi). Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố gần 3,6 nghìn héc-ta với nhiều loại cây trồng có giá trị như: Nhãn, cam, chuối, rau màu và các loại cây ăn quả khác.
Trước mùa mưa bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phương án phòng, chống úng đô thị và nội đồng... Các kế hoạch, phương án được cụ thể hoá từ thành phố đến các xã, phường và đơn vị chức năng. Cùng với đó, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, thiết bị như: Máy bơm, phương tiện vận chuyển, máy xúc, máy ủi, đá hộc, đá dăm, cát và các dụng cụ chuyên dụng khác để ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Thực hiện phá dỡ đập ngăn, thanh thải dòng chảy trên kênh dẫn Trạm bơm tiêu Bảo Khê
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thành phố Hưng Yên cho biết: Xí nghiệp phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố, Hạt Quản lý đê thành phố đi kiểm tra thực trạng đánh giá chất lượng các cống dưới đê, cống xả qua đê của một số trạm bơm tiêu và báo cáo cấp có thẩm quyền để sẵn sàng phương án khi xảy ra sự cố. Xí nghiệp tham mưu với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố xây dựng phương án trọng điểm đối với khu vực trạm bơm tiêu Bảo Khê, trạm bơm tiêu Tân Hưng. Căn cứ phương án phòng, chống lụt, bão, úng của thành phố, xí nghiệp chủ động lên kế hoạch kiểm tra máy móc, công trình, hệ thống các sông trục dẫn nước và tiến hành sửa chữa khắc phục các sự cố, tổ chức giải tỏa rau bèo, vật cản trên hệ thống sông trục, bảo đảm các trạm bơm tiêu sẵn sàng hoạt động. Xí nghiệp được giao quản lý, vận hành tổng số 25 trạm bơm, điểm bơm phục vụ tưới, tiêu toàn thành phố. Trong đó có 10 trạm bơm phục vụ công tác tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh với 37 tổ máy bơm, tổng công suất là 174.440 m3/h. Xí nghiệp được giao quản lý 458 tuyến sông trục, kênh tưới tiêu lớn nhỏ với tổng chiều dài hơn 228km và diện tích mặt thoáng các kênh tiêu khoảng 962.500m2. Trong đó xí nghiệp trực tiếp duy tu 24 tuyến sông trục, kênh tiêu chính theo phân cấp với gần 35 km chiều dài, gần 500.000m2 mặt thoáng.
Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống lụt, bão, úng năm 2024, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thành phố đã kiểm tra và tu sửa máy móc, thiết bị. Đến nay, các trạm bơm cơ bản đáp ứng được yêu cầu bơm tiêu. Hệ thống điện được ngành điện thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp kịp thời cơ bản đáp ứng được yêu cầu bơm tiêu. Hệ thống sông, kênh, mương tiêu được kiểm tra thường xuyên. Các đơn vị, địa phương tiến hành nạo vét bùn, đất ở các kênh mương tiêu, các trục dẫn; giải tỏa đăng đó, vó bè, rau, bèo, sen, vật cản dòng chảy… bảo đảm thông thoáng dòng chảy cho tiêu úng. Hệ thống các công trình trên kênh như cầu, cống, các công trình điều tiết... cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ về tiêu thoát nước trong mùa mưa úng.
Ngay trong tháng 4 và tháng 5/2024, thành phố đã hoàn thành việc nạo vét bể hút của trạm bơm An Vũ với khối lượng gần 1,5 nghìn m3 bùn đất; hoàn thành tu sửa nhà quản lý trạm bơm Cao Thôn với chi phí 355 triệu đồng. Hiện nay, thành phố đã dự trữ đầy đủ các loại vật tư phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, úng. Bố trí nhân lực bảo đảm các trạm bơm tiêu sẵn sàng hoạt động 24/24h. Căn cứ lưu vực tiêu, phân vùng tiêu để kiểm tra đôn đốc, các địa phương thực hiện giải tỏa rau bèo, vật cản trên các hệ thống kênh nhánh, rãnh thoát nước, đặc biệt ở khu vực trồng cây ăn quả. Khi có mưa xảy ra trên địa bàn, bố trí quân số có mặt tại các vị trí được phân công tiến hành thực hiện theo các phương án phòng, chống lụt bão úng đã được phê duyệt, theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Nguồn: https://baohungyen.vn