KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 05/11/2024 - Lượt xem: 91
Thành phố Hưng Yên trong ký ức và hiện tại

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, liền kề với Thủ đô Hà Nội, có diện tích 923,09km², dân số gần 1,2 triệu người (theo số liệu năm 2009), gồm 9 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.

Thị xã Hưng Yên, sau là thành phố Hưng Yên - thủ phủ của tỉnh, được xây dựng và phát triển trên nền tảng Phố Hiến. Vậy, Phố Hiến có từ bao giờ? Tư liệu sớm nhất ở Việt Nam có nhắc đến tên Phố Hiến là văn bia chùa Thiên Ứng dựng năm 1625: “Phố Hiến nổi tiếng là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương”. Tên Phố Hiến xuất phát từ chữ "Hiến" với các tên gọi là Hiến Doanh hay Hiến Nam, vốn là cơ quan hành chính của trấn Sơn Nam. Năm 1831, Vua Minh Mạng triều Nguyễn quyết định thành lập tỉnh Hưng Yên, lấy Phố Hiến làm tỉnh lỵ. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn gốc Phố Hiến là từ Hiến ty Sơn Nam, có ý kiến cho rằng Phố Hiến đã xuất hiện từ thế kỷ XV, vào năm 1471 khi Vua Lê Thánh Tông đặt ra mười hai thừa tuyên và các ty thừa, ty hiến cho các thừa tuyên. Song điều chắc chắn là trước thế kỷ XV, Phố Hiến đã trải qua quá trình tụ cư và chuẩn bị cho sự hình thành thương cảng. Thế kỷ XVI, XVII, Phố Hiến là chốn phồn hoa đô hội, nức tiếng với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Nằm sát bên tả ngạn sông Hồng, vị trí đặc biệt quan trọng đối với các tuyến giao thông đường thủy, Phố Hiến mang diện mạo một đô thị kinh tế với kết cấu một bến cảng sông, một tập hợp chợ, khu phường phố và các thương điếm của người nước ngoài. Trải qua những biến cố lịch sử và sự thay đổi của tự nhiên, Phố Hiến vẫn bảo tồn được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 18 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Phố Hiến được công nhận là Quần thể di tích quốc gia đặc biệt.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới thời thực dân phong kiến, thị xã Hưng Yên có 6 phố lớn và xã Hiến Nam. 6 phố lớn là: Hữu Môn, Mộc Sàng, Nguyệt Hồ, Tân Nhân, Tân Thị, Hậu Trường. Xã Hiến Nam gồm 7 thôn: Nam Hòa, An Vũ, Nhân Dục, Mậu Dương, Lương Điền, Phương Cái, Nam Tiến. Các phố lớn được chia thành 20 phố nhỏ. Quy mô thị xã vừa nêu được giữ nguyên cho tới ngày hòa bình lập lại, thị xã Hưng Yên hoàn toàn được giải phóng (ngày 05/8/1954). Sau hòa bình năm 1954 cho tới ngày nay, có một số lần thay đổi, chia cắt địa giới hành chính, đổi tên các phố (vào các năm 1955, 1982, 1997, 2003), đồng thời mở rộng thành phố những đợt gần đây, nhưng về cơ bản vẫn trên cơ sở phạm vi “lõi” của thị xã Hưng Yên dưới thời Pháp thuộc tồn tại trong ký ức không phai của những người bản địa lớn tuổi.

Nội thị thị xã Hưng Yên xưa như ô bàn cờ, có hai đường trục chính chạy dọc theo hướng Bắc - Nam và hai đường trục ngang theo hướng Đông - Tây, theo đó là các phố có nhà dân và công sở.

Trục đường dọc chính thứ nhất tiếp giáp với đường 39 (đi Thái Bình), chạy thẳng vào thị xã theo hướng Bắc - Nam. Từ ngã tư thị xã (nay là vòng xuyến Bưu điện tỉnh và Ngân hàng Công thương), đi về phía Nam khoảng 300m trước năm 1954 hầu như không có người ở. Đường trải nhựa bề mặt rộng 6m, nhà cửa phần lớn là nhà cấp 4 lợp lá gồi, lá mía, nhà giàu mới lợp ngói. Thị xã ngày ấy chỉ có một số hộ buôn bán nhỏ, còn lại làm nông nghiệp, phơi ngô phơi thóc ra đường khi thu hoạch. Khu vực rạp chiếu bóng Phố Hiến ngày nay, trước năm 1954 là bến ô tô. Đến năm 1970, bến được chuyển ra khu vực Bưu điện tỉnh ngày nay và sau năm 1997 tái lập tỉnh, chuyển lên trước cửa Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cách bến cũ khoảng 1km. Từ hai đường Điện Biên 1, Điện Biên 2 (từ vòng xuyến đến đường Phạm Ngũ Lão) xưa là khu phố Hữu Môn, tập trung nhiều hàng quán đông vui. Chợ tỉnh cũ nằm ở đường Phạm Ngũ Lão, nơi giao cắt với ngã tư đường Điện Biên, chiều dài 120m, rộng 80m, họp đủ các ngày trong tháng. Đối diện chợ là cửa hàng tạp hóa lớn của nhà tư sản Tín Mỹ. Ông Tín Mỹ là một trong bốn người giàu từ thời Pháp tạm chiếm (Tín Mỹ, Sùng Long, Đức Phong, Đức Hợp). Đầu đường Phạm Ngũ Lão tiếp giáp với hồ Bán Nguyệt, phía Đông đường là Thành Hưng Yên cũ, nay là Nhà Thành và các phố Đông Thành, Tây Thành, Bắc Thành, Nam Thành. Nhà Thành thời tạm chiếm là nơi đặt trụ sở chỉ huy của quân đội thực dân chiếm đóng, nơi giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước.

Tiếp đường trục chính Điện Biên tới Dốc Đá trở ra mép hồ là khu phố Nguyệt Hồ, xưa có nhiều gia đình người Hoa và cơ quan đầu não của các quan lại người Việt. Ở phố Vọng Cung có dinh tuần phủ, án sát và trại lính. Từ Gốc Sanh ra Dốc Đá xưa chỉ có một con đường nhỏ, mãi đến những năm 1970 mới được mở to như ngày nay. Cạnh Gốc Sanh có đền Bà Chúa Kho. Đối diện với Gốc Sanh có hàng phở ngon nổi tiếng của ông Phở Lợi. Đối diện với quán Phở Lợi, cách 30m là quán bún thang Thế Kỷ. Bát bún thang với 16 thứ vị là đặc sản nổi tiếng một thời của văn hóa ẩm thực Hưng Yên. Từ Dốc Đá hắt trở lên phía Bắc là hồ Bán Nguyệt trong xanh nằm cạnh đê sông Hồng, một thắng cảnh của thị xã. Thời Pháp thuộc, chính quyền đã có lần cho đắp một đường ngang bắc qua hồ, ra chân điếm canh đê, sau Nhân dân phản đối nên con đường ấy bị phá bỏ để hồ trở lại hình dáng nửa vầng trăng. Tại đây, năm 1905 đã diễn ra cuộc thi thơ bình Truyện Kiều và vịnh hồ Bán Nguyệt. Chủ khảo cuộc thi là cụ Nguyễn Khuyến, người đoạt giải nhất cuộc thi vịnh Kiều năm ấy là quan án sát Hưng Yên, Tiến sĩ, nhà thơ Chu Mạnh Trinh. Bên hồ có đền Mẫu, đền Trần nổi tiếng linh thiêng. Cuối hồ có Trường trung học Phạm Ngũ Lão dạy từ đệ thất đến đệ ngũ. Sau hòa bình năm 1954 là Trường cấp II thị xã, Trường tiểu học ở phố Minh Khai. Phía Tây hồ có Bảo tàng Cách mạng tỉnh, Nhà lưu niệm Bác Hồ khi Người về thăm Hưng Yên năm 1958 đã từng ăn nghỉ trưa ở đây.

Khu phố Hậu Trường nằm dọc hai bên đường Bạch Đằng ngày nay. Thời Pháp thuộc, viên Chánh sứ người Pháp ở khu Hội trường lớn, nay là Nhà văn hóa trung tâm thành phố. Hội trường này đã được vinh dự đón Bác Hồ về thăm ba lần trong hai năm 1958 và 1961. Tại đây, Người phát động toàn dân Hưng Yên làm thủy lợi và dự hội nghị tổng kết thủy lợi toàn miền Bắc, trao cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất” cho tỉnh Hưng Yên. Còn viên Phó sứ thì ở khu vườn hoa phía Bắc Nguyệt Hồ. Sở Cẩm thì ở vị trí Công an thành phố hiện nay, còn quân đội và trại con gái (vợ lính) nằm ở khu vực Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bây giờ. Ở vị trí Tổng Công ty May Hưng Yên – Công ty cổ phần hiện nay, Mỹ viện trợ cho Pháp xây một bệnh viện với 10 nhà bằng tôn hình vòm để chữa trị cho quân Pháp và quân ngụy bị thương. Bệnh viện này tồn tại đến năm 1958, khi ta xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh ở Ấp Dâu (vị trí hiện nay).

Khu phố Tân Nhân tính từ trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh cũ (nay là trụ sở Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh) đến sân vận động và Xí nghiệp cơ khí 1-5 (từng là sân bay dã chiến của thực dân Pháp). Khu phố Tân Thị là khu vực dân cư sau khi đắp đê quai từ nghĩa trang thị xã (nghĩa trang ông Thìn) đến thôn Nam Tiến, dài khoảng 500m; gần trùng với phạm vi khu phố Tân Thị, phường Minh Khai ngày nay. Giáp đê sông Hồng có sân chơi tennis dành cho người Pháp và giới quý tộc người Việt. Ở khu vực này còn có trụ sở Ngân hàng tỉnh.

Trục đường dọc thứ hai từ chùa Chuông dài 1,5km chạy qua khu phố Mộc Sàng, cạnh phía Đông hồ Bán Nguyệt tới Dốc Đá. Trên trục đường này có nhà thờ Thiên Chúa giáo; phố Nam Hòa, phố Khách, hai phố này thời Pháp là nơi ăn chơi, có rạp hát, tiệm cô đầu, cờ bạc.

Thị xã Hưng Yên có thời kỳ gồm cả thôn Lương Điền, Mậu Dương chạy theo dọc đường từ Dốc Đá xuống Chùa Hiến, được xây dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ XIII. Tại sân chùa Hiến có cây nhãn tiến Vua tồn tại mấy trăm năm. Bên cạnh là Đông Đô Quảng Hội, hội quán của những thương nhân nước ngoài tại Phố Hiến, thế kỷ XVI, XVII (khởi dựng năm 1190).

Có hai con đường ngang thị xã, đó là đường Phạm Ngũ Lão - Bạch Đằng và đường Trưng Trắc. Đường Phạm Ngũ Lão - Bạch Đằng dài khoảng 2km, con đường ngang dài nhất thị xã, kéo dài ra tận bến tàu (phà Yên Lệnh). Từ cửa khẩu ra có hai khu dân cư: bên trái giáp đê là thôn Nam Tiến và gần sông Hồng có phố Lê Hồng Phong, dân cư phần đông là người Hà Nam do bị sông Hồng long lở nên di dời sang làm ăn sinh sống. Đường ngang thứ hai là đường Trưng Trắc dài khoảng 600m theo hướng Đông - Tây. Đầu đông của đường có Võ Miếu thờ Quan Công, tiếp đến là chùa Phố, ngôi chùa lớn giữa lòng thị xã. Thời tạm chiếm, phía Nam chùa Phố là nơi đóng của Tỉnh trưởng ngụy (vị trí của khách sạn Phố Hiến bây giờ); phía Bắc chùa Phố bên kia đường là trụ sở Bảo chính đoàn của ngụy (vị trí trụ sở Thành đội Hưng Yên trước khi rời lên đường Triệu Quang Phục).

Đường Trưng Nhị trước chưa có, chỉ là một đoạn vắng vẻ, dân hay ra vệ sinh nên có tên là đường Cầu Cọ, mãi sau này mới mở mang xây dựng ở đó Trung tâm Y tế thành phố (còn có tên là Bệnh viện Mầm non). Còn con đường ngang từ bến ô tô cũ, (rạp chiếu bóng ngày nay) đi thẳng về phía Tây, tiếp giáp với đường Bãi Sậy là đường Nguyễn Thiện Thuật bây giờ, trước đây chỉ là con đường rất nhỏ, không được tính đến.

Nói đến những di tích nổi tiếng của thành phố Hưng Yên không thể không kể đến chùa Chuông, một ngôi chùa lớn gắn liền với câu chuyện truyền thuyết dân gian. Trong chùa có tượng mười tám vị La Hán với dáng vẻ rất sinh động cùng các cảnh minh họa thuyết luân hồi của nhà Phật. Cách chùa Chuông hơn 500m về phía Bắc là Văn Miếu Xích Đằng thờ Khổng Tử và thầy Chu Văn An. Trong Văn Miếu có 9 tấm bia đá khắc tên 139 vị tiến sĩ người Hưng Yên đỗ đạt khoa cử dưới thời phong kiến. Văn Miếu được xây dựng năm 1838, dưới thời Vua Minh Mạng. Cách thị xã cổ khoảng 1,5km về phía Bắc là khu vực Ấp Dâu với một loạt công trình văn hóa xây dựng sau hòa bình 1954. Đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường trung cấp Sư phạm tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Cộng đồng), Trường cấp ba Hưng Yên (trường Chuyên Hưng Yên)…

Thị xã - thành phố Hưng Yên trên nền Phố Hiến với lịch sử tồn tại mấy trăm năm, trải qua những bước thăng trầm, thịnh - suy, suy - thịnh được đánh dấu bằng một số mốc lớn: Hình thành từ thế kỷ XV, phát triển rực rỡ vào thế kỷ XVI, XVII; năm 1831 trở thành tỉnh lỵ cùng với quyết định thành lập tỉnh Hưng Yên của Vua Minh Mạng triều Nguyễn; tháng 5/1954, sau hòa bình lập lại, Hưng Yên trở lại với vị trí thủ phủ tỉnh cho tới ngày sáp nhập tỉnh với Hải Dương (26/1/1968); 29 năm sau, cùng với việc tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997), thị xã Hưng Yên trở lại ngôi vị thủ phủ. Ngày 19/1/2009, thị xã được nâng cấp thành thành phố trực thuộc tỉnh cho tới ngày nay.

Theo đà phát triển chung của đất nước sau 38 năm đổi mới, thành phố Hưng Yên đã không ngừng lớn mạnh và đang thay da đổi thịt từng ngày. Về quy mô, từ một thị xã nhỏ, nay thành phố đã có 7 phường, 10 xã, dân số 118.646 người (năm 2020). Hạ tầng giao thông được xây dựng và phát triển đồng bộ, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Các cây cầu bắc ngang sông Hồng, sông Luộc (cầu Yên Lệnh, cầu Hưng Hà, cầu Triều Dương…) nối liền những con đường thênh thang, khiến thành phố phá bỏ được thế “đường cụt”, vươn ra mọi hướng. Với hàng trăm km đường mới mở hoặc được nâng cấp, cùng với hàng loạt công trình xây dựng mới, diện tích thành phố được mở rộng, mang dáng vẻ hiện đại, trong khi tích cực tu bổ, bảo tồn những công trình, di tích xưa. Đó là một thành phố xanh, sạch, đẹp, hài hòa, thân thiện, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Nội thành trở thành đô thị văn minh, các xã ngoại vi đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố đang nỗ lực làm nốt những gì còn lại để đạt được mục tiêu năm 2025 trở thành đô thị loại II.

Nguồn: https://baohungyen.vn/

Tin liên quan