KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 02/10/2023 - Lượt xem: 391
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu

Hiện nay, lĩnh vực xuất, nhập khẩu của tỉnh thu hút 1.086 doanh nghiệp hoạt động, có đóng góp quan trọng, góp phần tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế của Hưng Yên. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của tỉnh sụt giảm ở cả 2 chiều cho thấy rõ những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh năm 2023. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH May Đại Hướng (thị xã Mỹ Hào)
Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Hưng Yên, tính đến ngày 25/9/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 4.464,02 triệu USD, giảm 12,37% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt gần 3.550 triệu USD, giảm 13,64% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh trong thời gian qua chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của hầu hết các thị trường trên thế giới giảm. Đây là hệ lụy của lạm phát tăng cao, những ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và đặc biệt là từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Nhìn vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm về đơn hàng mới cũng như giảm quy mô đơn hàng tại các thị trường truyền thống. Thêm vào đó, không ít đơn hàng mặc dù đã hoàn thành nhưng không xuất khẩu được do đối tác yêu cầu hoãn thời gian giao hàng. Trước những khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trọng tâm là nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất mới; tích cực tìm hiểu nhu cầu thị trường để tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu; bố trí, sắp xếp lại các vị trí lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đa dạng hoá các loại hình sản xuất, mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau…
Công ty cổ phần Tiên Hưng, đóng trên địa bàn thị trấn Vương (Tiên Lữ), là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu của tỉnh. Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Hàng may mặc do đơn vị gia công được xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những tháng đầu năm 2023, công ty phải đối mặt với khó khăn do số lượng và quy mô các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm, đơn giá giảm sâu. Tổng giá trị xuất khẩu của công ty 9 tháng năm 2023 đạt 110 triệu USD, giảm 28,6 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh và đến nay chúng tôi vẫn bảo đảm việc làm cho hơn 4.000 người lao động. Tạo công ăn việc làm nhằm giữ chân người lao động, xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài để từng bước vượt qua khó khăn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.
Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, chủ động tham mưu, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nộp thuế, hoàn thuế; thực hiện tốt công tác giám sát quản lý, hiện đại hóa hải quan, bảo đảm việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế; chỉ đạo các đơn vị chức năng, các địa phương có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... rút ngắn thời gian triển khai các dự án đầu tư. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ; thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Với mục tiêu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đạt 7.000 triệu USD, những tháng còn lại của năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh phải nỗ lực rất lớn để tiếp tục khơi thông thị trường, tìm kiếm những đơn hàng mới, thị trường mới góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh đang chủ động khắc phục khó khăn, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu sản phẩm và thị trường, áp dụng công nghệ để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng “xanh hóa”, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tích cực nghiên cứu khai thác những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam để mở rộng thị trường, lấy lại đà tăng trưởng.
Đồng hành với các doanh nghiệp, ngành Công Thương triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu trong thời gian tới. Cụ thể, Sở tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và triển khai thực hiện tốt các chủ trương của các bộ, ngành và của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu vận dụng hiệu quả ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA); kết nối chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương tích cực cập nhật, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung – cầu, giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; phối hợp với các cơ quan Trung ương và của tỉnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin khoa học, công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất, máy móc thiết bị nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối thông tin doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài tỉnh, nhất là với các doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị trên thị trường quốc tế, khai thác tối đa lợi thế về xuất xứ hàng hoá trong các FTA...
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan