Hưởng ứng phong trào cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) thi đua thực hiện văn hóa công sở (VHCS) do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 9/9/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND triển khai thực hiện phong trào thi đua “CB,CC,VC thi đua thực hiện VHCS” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019 - 2025. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, phong trào đã phát huy hiệu quả tích cực, dần đi vào chiều sâu ở từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đầu giờ sáng, các CB,CC trực Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Tiên Lữ đã có mặt đầy đủ, trang phục lịch sự, khởi động hệ thống máy tính, chuẩn bị tài liệu sẵn sàng đón tiếp công dân đến giải quyết công việc. Dù phải tiếp nhận, giải quyết nhiều hồ sơ cùng một lúc, hoặc có người dân chưa nắm rõ quy định của pháp luật, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục không đủ, nhưng các CB,CC vẫn tận tình hướng dẫn, thậm chí ghi ra giấy các yêu cầu, quy trình cần những cơ quan nào xác nhận... giúp người dân không phải đi lại nhiều lần. Bà Nguyễn Thị Lanh, xã Minh Phượng vui vẻ cho biết: Nếu trước đây, khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), tôi phải cầm hồ sơ đi từng phòng chức năng, gặp từng cán bộ phụ trách để xin chữ ký, thì nay tôi đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả, mọi thủ tục đều được niêm yết công khai; cán bộ đeo thẻ tên, chào hỏi, hướng dẫn tận tình, thời gian giải quyết công việc nhanh gọn. Tôi còn được hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và cách gửi hồ sơ trực tuyến, nhận kết quả giải quyết TTHC tại nhà.
Công chức UBND xã Xuân Trúc (Ân Thi) hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính
Đến Bộ phận "Một cửa" xã Xuân Trúc (Ân Thi) bất kỳ thời điểm nào trong giờ làm việc, các CB,CC ở đây luôn giữ thái độ làm việc nghiêm túc, nhiệt tình hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC và phối hợp, tham mưu thực hiện quy trình giải quyết TTHC chuyên nghiệp, hiệu quả. Với mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ, đến nay 100% hồ sơ TTHC được xã Xuân Trúc giải quyết đúng và trước hạn, trong đó tỉ lệ trước hạn đạt trên 99%. Điểm nổi bật là tỉ lệ hồ sơ TTHC trực tuyến mức độ toàn trình đạt 98,22% và tỉ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt trên 89%.
Từ khi triển khai thực hiện phong trào CB,CC,VC thi đua thực hiện VHCS, các cấp, ngành, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quyết liệt thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; các cơ quan đều xây dựng và niêm yết bộ quy tắc ứng xử ở vị trí quan sát thuận lợi nhất; đội ngũ CB,CC hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, giao tiếp, ứng xử văn minh. Nhiều cơ quan, đơn vị gắn thực hiện VHCS với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, thi đua thực hiện VHCS trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhiều cách làm hay, sáng tạo làm cho kinh nghiệm tổ chức phong trào thêm phong phú. Tiêu biểu như mô hình “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của CB,CC,VC ở Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát TTHC tỉnh và tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND cấp huyện, cấp xã với tinh thần “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, tạo sự thân thiện và dần nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Kết quả đánh giá Chỉ số SIPAS trên địa bàn tỉnh năm 2023 cho thấy, dẫn đầu khối các sở, ban, ngành tỉnh là Sở Nội vụ, Sở Giao thông vận tải; dẫn đầu khối UBND cấp huyện là huyện Phù Cừ, sau đó là huyện Văn Lâm, thành phố Hưng Yên...
Thực tế, hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương đều tổ chức ký cam kết thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, VHCS, đạo đức công vụ; đưa các nội dung về VHCS vào các tiêu chí, làm cơ sở bình xét thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, tập thể. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng CB,CC,VC đi làm chưa đúng giờ, trang phục, tác phong làm việc chưa đúng quy định. Một số CB,CC,VC ứng xử chưa thực sự văn minh, thân thiện khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Nguyên nhân là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào; chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện phong trào. Cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng ở một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham mưu triển khai thực hiện phong trào thi đua hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên.
Để phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện VHCS ngày càng đi vào chiều sâu, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường quán triệt, phổ biến nâng cao nhận thức của CB,CC,VC về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện VHCS. Mỗi CB,CC,VC chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc; thực hiện chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử; thường xuyên tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC,VC; xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại; đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ và VHCS, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, hành động của đội ngũ CB,CC,VC trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn