Thời điểm này, thị trường bánh trung thu trên địa bàn tỉnh bắt đầu sôi động với nhiều thương hiệu bánh trong và ngoài nước cùng mẫu mã, nguyên liệu đa dạng. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng bánh trung thu có giá bán tăng, song sức mua còn chậm.
Tại một số tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố Hưng Yên và nhiều địa phương trong tỉnh xuất hiện các gian hàng trưng bày, kinh doanh bánh trung thu với đa dạng thương hiệu như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Bảo Minh, Maison... Năm nay, hầu hết các loại bánh trung thu đều tăng giá so với năm trước 5 – 10%, do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Cụ thể, đối với dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân có giá dao động 50.000 – 120.000 đồng/sản phẩm. Ngoài sản phẩm mang hương vị truyền thống với nhân bánh: Thập cẩm, hạt sen, trứng muối…, các dòng sản phẩm bánh trung thu chay, ăn kiêng được đưa ra thị trường với các hương vị từ đậu xanh hạnh nhân, mè đen hạt dưa, trà xanh... Các loại bánh phục vụ thiếu nhi với hình dạng con vật đẹp mắt có giá khoảng 45.000 đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều loại bánh trung thu cao cấp được bày bán nhằm phục vụ nhu cầu biếu, tặng với mức giá khoảng 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/hộp.
Khách hàng lựa chọn mua bánh trung thu tại thành phố Hưng Yên
Ngoài việc đưa nguyên liệu mới vào trong bánh Trung thu, các nhà sản xuất còn chú trọng đến hình thức, kiểu dáng. Một số doanh nghiệp đổi mới mẫu mã bao bì theo hướng lấy cảm hứng từ những đồ chơi truyền thống Tết Trung thu như đèn kéo quân và trống quân... Bên cạnh hình thức bán hàng trực tiếp truyền thống, các nhà sản xuất đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada… giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm được sản phẩm ưng ý với mức giá phù hợp với nhu cầu. Anh Nguyễn Văn Nam ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) cho biết: Mẫu bánh trung thu năm nay tương đối đa dạng, phong phú. Vì mua để gia đình sử dụng và làm quà tặng nên tôi thường đến cửa hàng có uy tín để chọn mua.
Bên cạnh các thương hiệu bánh lớn, các cơ sở bánh trung thu truyền thống trong tỉnh cũng vào cao điểm sản xuất, phục vụ nhu cầu thị trường. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, chủ cơ sở sản xuất bánh Đông Hưng (thành phố Hưng Yên) cho biết: Cơ sở sản xuất bánh từ đầu tháng 7 âm lịch, đến gần Rằm tháng Tám thì dừng sản xuất với số lượng ước hơn 10.000 chiếc. Năm nay cơ sở vẫn sản xuất 2 loại bánh chính là bánh nướng là bánh dẻo thập cẩm theo phương pháp gia truyền, tuân thủ nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù giá nguyên liệu đầu vào tăng so với năm trước nhưng vẫn bình ổn giá bán 70.000 đồng/chiếc có trọng lượng 300g. Tuy nhiên, đến thời điểm này sức mua thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo khảo sát, mặc dù các gian hàng giới thiệu sản phẩm bánh trung thu của các công ty bắt đầu bày bán từ giữa tháng 7 âm lịch, song đến thời điểm này sức tiêu thụ vẫn khá trầm lắng. Anh Cao Tiến Đức, quản lý quầy bánh trung thu Kinh Đô tại thành phố Hưng Yên cho biết: Trung bình cửa hàng bán được 60 - 70 bánh/ngày. Hiện tại, quầy hàng chủ yếu phục vụ khách mua lẻ. Chị Nguyễn Thị Xoan, chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) chia sẻ, hiện nay, lượng tiêu thụ bánh trung thu chỉ bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, giá bán tăng không nhiều nhưng thu nhập của người dân giảm sút nên các gia đình có xu hướng giảm chi phí những mặt hàng không phải là đồ tiêu dùng thiết yếu như bánh Trung thu. Hy vọng sang đầu tháng 8 âm lịch sức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng.
Bên cạnh các thương hiệu có uy tín, chất lượng, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán ở các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, các trạng mạng xã hội như Facebook, Tiktok với giá bán chỉ dưới 10.000 đồng/sản phẩm.
Thực hiện Quyết định số 687/QĐ-QLTTHY ngày 31/8/2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2023, thời gian qua, các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại bánh phục vụ Tết Trung thu năm 2023, như: kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận; kiểm tra hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu…
Ngày 07/9 vừa qua, Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra, phát hiện xe ô tô vận chuyển 300 hộp bánh trung thu (mỗi hộp có chứa 70 chiếc), tương đương với 21.000 chiếc bánh không rõ nguồn gốc, trên nhãn, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài tại khu công nghiệp Thăng Long 2, xã Liêu Xá (Yên Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, lái xe là Trần Đăng Tài (sinh năm 1986, trú tại thành phố Hưng Yên) chưa xuất trình được đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên…
“Tết trông trăng” càng đến gần, thị trường bánh trung thu càng sôi nổi hơn bao giờ hết, do đó người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sản phẩm bánh trung thu cho gia đình. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; nên mua bánh ở các cơ sở có uy tín, có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế…
Nguồn: https://baohungyen.vn