KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 04/07/2024 - Lượt xem: 280
Thị trường tiếp tục phục hồi, xuất khẩu cả nước thu về hơn 190 tỷ USD

Mức nhập khẩu tăng 18,1% cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao

Sản xuất Xanh giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tăng trưởng tích cực tại các thị trường lớn

Đại diện Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước. Tính trong quý 2/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024.

Với đóng góp trên, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng, cụ thể, nhóm hàng nông sản kéo dài đà tăng trưởng từ năm 2023 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

“Do giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: càphê tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng càphê xuất khẩu giảm 10,6%; gạo chỉ tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về trị giá xuất khẩu; chè các loại tăng 32,1%; rau quả tăng 28,2%...,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo vẫn dẫn đầu khi thu về khoảng 160,3 tỷ USD, chiếm 84,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong nhóm này, nhiều sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,2%... Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,18 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu nửa đầu năm tăng trưởng 2 con số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đóng góp vào thách tích trên là nhờ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á). Do vậy, xuất khẩu của nước ta tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số.

Theo thống kê, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%; thị trường EU ước đạt 24,46 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.

Tập trung các giải pháp thị trường

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, cơ cấu nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực khi có tới 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước).

“Với kim ngạch ước đạt 158,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao,” đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay.

Do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên nhập khẩu của nước ta trong nửa đầu năm 2024 từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.

Theo thống kê, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 37,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc ước tăng 7,4%; khu vực thị ASEAN tăng 12,3%...

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD).

Bộ Công Thương kết nối các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng đó, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, đồng thời tập trung thúc đẩy các giải pháp xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian tới, Cục sẽ tăng cường truyền thông, quảng bá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi Xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan