Để thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dự kiến từ nay đến năm 2040, nền kinh tế cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP.
Có thể loại bỏ ô nhiễm không khí từ các chuyến tàu chở hàng chạy bằng diesel bằng cách trang bị thêm những toa tàu chứa pin. Ảnh: iStock.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon để đạt được mục tiêu phát triển với phát thải ròng bằng 0 mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP trong trung và dài hạn.
Từ góc nhìn kinh tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân nêu 4 nhóm kiến nghị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước. Đó là chuyển đổi tư duy và tiếp cận về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững; lồng ghép các chương trình, dự án về tăng trưởng thích ứng với khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển; tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế trong huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng thích ứng với khí hậu và khơi thông nguồn tín dụng xanh cho tăng trưởng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những chuyển động quan trọng cần bắt đầu từ nhận thức, do đó trong bản kiến nghị, Trường đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh chuyển đổi tư duy và tiếp cận về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững chính là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra sự thay đổi. Theo đó, cần xây dựng, cập nhật kế hoạch, lộ trình thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện cấp quốc gia, ngành và địa phương. Từ đó, thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.
Các yêu cầu cụ thể bao gồm chuyển đổi nhân tố tăng trưởng chính trong mô hình tăng trưởng và các yếu tố tăng năng suất theo hướng xanh hóa, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên; thu hút vốn đầu tư nước ngoài sạch và chuyển dịch vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị theo hướng bảo vệ môi trường. Cùng với đó là tận dụng quá trình hội nhập thương mại quốc tế để bảo vệ môi trường.
Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam lựa chọn con đường phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng cao, do đó trong các giải pháp phát triển kinh tế đều phải tuân thủ nguyên tắc đạt mục tiêu phát triển nhưng đồng thời thực hiện các cam kết về khí hậu. Hành trình này phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng đó là xu hướng không thể đảo ngược trong chặng đường mới của đất nước.
Nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu toàn cầu, Việt Nam cần thúc đẩy các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ. Nếu không điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa hơn và tương thích với biến đổi khí hậu, nền kinh tế sẽ trở nên dễ tổn thương và thiếu bền vững trong dài hạn. Ngược lại, nếu điều chỉnh kịp thời, chúng ta có thể tận dụng được những cơ hội để đạt được sự tăng trưởng xanh bền vững và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn