Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib. Được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 1984… gần 40 năm qua, thành tựu của chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em cũng như người dân Việt Nam, góp phần đạt các mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, việc thiếu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vắc xin 5 trong 1, có khi kéo dài liên tục nhiều tháng liền. Điều này khiến nhiều trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng phải trì hoãn tiêm hoặc chuyển sang tiêm dịch vụ, tỉ lệ tiêm chủng không đạt theo kế hoạch.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Đoàn Thị Thơm, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết, tháng 8 và tháng 9 năm 2023, trạm được cấp vắc xin 5 trong 1 sau nhiều tháng gián đoạn, nhưng số lượng rất ít (tháng 8 được cấp 5 liều, tháng 9 được cấp 10 liều, không đủ tiêm cho số trẻ cần tiêm). Tháng 10 vừa qua lại hết vắc xin 5 trong 1, vắc xin 3 trong 1 và vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai. Nhiều gia đình do điều kiện khó khăn nên vẫn tiếp tục chờ khi nào có vắc xin sẽ cho trẻ tiêm tại trạm. Xã Thiện Phiến có gần 100 cháu từ 1 tuổi trở xuống, trong đó tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ từ tháng 1 đến tháng 10 đạt 97%, song có tới một nửa là tiêm dịch vụ. Theo bác sĩ Thơm, người dân thường xuyên phàn nàn về việc thiếu vắc xin. Nhân viên của trạm tư vấn nếu có điều kiện, gia đình đưa trẻ đi tiêm dịch vụ hoặc tiếp tục chờ.
Theo kết quả tổng hợp của Trạm y tế xã Ngọc Thanh (Kim Động), số trẻ tiêm đầy đủ đạt gần 83%, trên một nửa số đó tiêm dịch vụ, có loại vắc xin gần 100% trẻ tiêm dịch vụ do trạm không được cấp đủ theo nhu cầu. Nếu chờ đợi, trẻ sẽ không được tiêm đúng lịch.
Là xã có tỉ lệ cao tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn thành phố Hưng Yên, song xã Phương Chiểu mới đạt 78%. Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phương Chiểu cho biết, trong số trẻ được tiêm đầy đủ phần lớn được các gia đình đưa đi tiêm chủng dịch vụ.
Tình trạng không có vắc xin khiến nhiều gia đình chuyển sang tiêm dịch vụ cho trẻ. Chị Nguyễn Thị Thu ở thành phố Hưng Yên cho biết, tiêm dịch vụ rất tốn kém. Nhưng vì trạm y tế không có vắc xin nên gia đình buộc phải cho trẻ đi tiêm dịch vụ để bảo đảm sức khỏe cho cháu. Nếu có đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì sẽ đỡ một khoản chi phí cho các gia đình có con nhỏ.
Theo tổng hợp kết quả đến tháng 9 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin cơ bản cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 64%. Tỉ lệ này năm 2022 là 71,77%, năm 2021 là 87,18%. Do thiếu vắc xin 3 trong 1 trong thời gian dài (tiêm cho trẻ 20 tháng tuổi) nên tỉ lệ tiêm loại vắc xin này cũng thấp.
Việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là tình hình chung diễn ra trên toàn quốc. Trước tình hình trên, Sở Y tế tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh lộ trình cung ứng vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vắc xin còn lại giữa các địa phương trên địa bàn. Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, sau nhiều tháng không có, tháng 8/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phân bổ vắc xin 5 trong 1 để triển khai tiêm chủng thường xuyên tháng 8 và tháng 9/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguồn vắc xin trên đã được sử dụng hết cho nhóm trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng hoặc đã bỏ lỡ mũi tiêm.
Nguồn vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế mua sắm, sau đó cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ. Nguyên nhân gián đoạn cung ứng vắc xin là do vướng thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Ngày 10/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hầu hết các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được sản xuất trong nước, có 2 loại nhập khẩu là vắc xin phối hợp 5 trong 1 và vắc xin phòng bệnh bại liệt. Để tháo gỡ tình trạng thiếu vắc xin, Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan và thực hiện đúng theo các quy định hiện hành. Đồng thời, tiến hành các thủ tục tiếp theo để có thể tiếp nhận được vắc xin sớm nhất từ nhà sản xuất.
Các chuyên gia cảnh báo tỉ lệ tiêm chủng thấp do thiếu vắc xin khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp khả năng bệnh bại liệt quay trở lại Việt Nam từ mức thấp nhất lên mức trung bình cao. Vì vậy, việc thiếu một số loại vắc xin nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện tiêm vắc xin dịch vụ.
Nguồn: https://baohungyen.vn