MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Đăng ngày: 12/08/2018 - Lượt xem: 3180
Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người…

Thạc sỹ Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng nhắc tôi: “Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều gia đình của Hưng Yên đã có đến bẩy, tám người con hy sinh trong chiến trường đấy anh ạ”. Vâng, trong câu chuyện của mình, cụ Thái cũng đã nói đến rồi…

1- Trai cả làng tòng quân, trai cả họ lên đường

Đang sôi nổi hào hứng trong câu chuyện về chiến công bắn máy bay Mỹ, chợt giọng cụ Phạm Hùng Thái chùng lại: “Trong hai cuộc kháng chiến, Hưng Yên có số liệt sĩ lên tới gần 23.000 là sự hi sinh to lớn lắm, không thể nói hết được. Nhưng từ con số ấy, cũng có thể nói lên rằng, Hưng Yên đã chi viện hết mình cho tiền tuyến, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”…

Tháng 6/1965, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh động viên thời chiến, tháng 7/1966, Chủ tịch nước mới ký Lệnh động viên cục bộ làm cơ sở pháp lý cho việc huy động con người và cơ sở vật chất cho cuộc kháng chiến. Tuy vậy, ngay từ trước đó rất lâu, Hưng Yên đã chuển bị sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam bằng nhân- tài- vật lực. Tháng 2/1965, toàn tỉnh giao quân đợt 1, các huyện đều vượt chỉ tiêu, tỉ lệ đảng viên, đoàn viên cũng cao hơn hẳn các năm trước. Các đoàn quân lên đường nhập ngũ trong lời thề xúc động “Không thắng giặc Mỹ không về quê hương”. Từ kết quả của đợt giao quân này, Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo chuẩn bị ngay cho các đợt tuyển quân tiếp theo. Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu ra một y tưởng mà sau đó đã trở thành khẩu hiệu cho hầu khắc các nhiệm vụ chính trị khác của tỉnh, đó là “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”…

          Đến tháng 4/1965, tỉnh giao quân đợt 2, với số lượng lớn và lần đầu tiên phải xây dựng vào giao gọn 1 tiểu đoàn, nhưng toàn tỉnh vẫn giao vượt chỉ tiêu. Tiểu đoàn Bãi Sậy của tỉnh có chất lượng chiến đấu cao, lên đường với khí thế hào hùng. Tiếp đó, khi tỉnh thành lập một tiểu đoàn pháo phòng không bổ sung cho khu Hàm Rồng (Thanh Hóa), nhiều cán bộ chủ chốt  của tỉnh và các huyện đã động viên con em lên đường nhập ngũ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh như Lê Quý Quỳnh, Trần Quang Tạo cũng cho con mình lên đường tòng quân. Con trai đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quý Quỳnh là Vương Đình Cung, lúc ấy đang học Đại học, làm đơn xin đo bộ đội, nhà trường không cho đi. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đã lên trường để can thiệp để con mình được “thỏa chí trai thời chiến”.

          Từ những tấm gương như thế, trong các đợt tuyển quân sau này, thanh niên Hưng Yên càng nô nức xung phong lên đừng bảo vệ Tổ quốc. Đã có hàng nghìn lá đơn tình nguyện trong đó có cả chữ ký của cha, mẹ người tòng quân. Có những lá đơn tình nguyện được viết bằng máu của người viết, thể hiện ý chí quyết tâm và trách nhiệm của cả thế hệ thanh niên trước Tổ quốc. Mới 17 tuổi, đang là học sinh phổ thông, nhưng anh Vũ Xuân Thắng ở thôn Nhân Vinh (Mỹ hào) vẫn xung phong đi khám tuyển. Thấy đủ sức khỏe, Thắng xin nhập ngũ. Không được Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã đồng ý, anh thanh niên Vũ Xuân Thắng đã lên thẳng Huyện đội và “đấu lý” với bố đẻ là Huyện đội trưởng: “Không có điều luật nào cấm người 17 tuổi đi đánh giặc”. Rồi anh giở chiêu “khích tướng”: “Là Huyện đội trưởng mà không can thiệp được cho con đẻ đi bộ đội thì bố cũng xoàng”. Đi bộ đội, thắng là chiến sĩ lái xe tăng. Trong một trận chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên, xe của Thắng bị trúng đạn, bốc cháy những anh vẫn không nhảy ra mà lao thẳng xe mình vào diệt mục tiêu của địch và anh dũng hi sinh.

          Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1955 đến năm 1975, Hưng Yên đã đưa 88.037 người con quê hương đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở các chiến trường. Có những gia đình có tới 7 người con nhập ngũ và hi sinh, nhưng vẫn động viên con cháu tham gia kháng chiến, giải phóng đất nước. Đến bây giờ, Bảo tàng tỉnh và nhiều tài liệu vẫn còn lưu giữ hình ảnh một cụ ông đang động viên thanh niên trước lúc lên đường. Đó là cụ Đoàn Văn Tôn ở Thụy Lôi (Tiên Lữ), dù có 5 con và cháu nhập ngũ, nhưng đợt tuyển quân nào, cụ cũng chống gậy đi vận động tòng quân trong khắp làng. Cùng xã với cụ Tôn, có cụ Trần Văn Oánh, có 1 người con là liệt sĩ, 4 người con đang trong chiến trường, vẫn động viên con thứ 6 ra mặt trận. Cụ Nguyễn Văn hào ở Xuân Trúc (Ân Thi) có 10 người con, cháu đang ở mặt trận; riêng năm 1972 có tới 6 người hi sinh, nhưng vẫn nén đau thương tiễn tiếp một người cháu đích tôn vào chiến trường. Cụ bộc bạch: “Mất thế này là đau lắm, nhưng biết làm sao. Mình không đánh nó nó vẫn đánh mình. Nghĩa vụ của ai người ấy phải làm chứ có lấy danh người chết ra để bù đậy, để thay cho người sống được đâu”…

2- “Toàn dân chi viện chiến trường”

          Để tạo nên không khí hừng hực của “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như thế; để có những khẩu hiệu “Trai tòng quân gái cũng tòng quân”, “Trai cả làng tòng quân, trai cả họ lên đường, anh em cả nhà ra trận”… thực sự đi vào lòng người như thế, phải có một hậu phương vô cùng vững chắc. Việc góp sức người, sức của cho chiến trường, cũng bắt đầu từ sự chỉ đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, để từ đó tạo thành những phong trào sôi nổi trong toàn tỉnh.

          Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Hưng Yên đã nổi danh với phong trào “tứ hóa”. Từ những phong trào này, nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, trình độ của nhân dân được nâng lên, an ninh, quốc phòng địa phương đảm bảo vững chắc, góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam, tiến tới mục tiêu thống nhất đất nước. Trong thời kỳ ấy, từ các cụ phụ lão “Bạch đầu quân” đến các em thiếu nhi “nghìn việc tốt” đều một lòng hướng về miền Nam ruột thịt. Hưng Yên là tỉnh kết nghĩa với Long An, vì thế, đi khắp các địa phương trong tỉnh đều dễ dàng bắt gặp khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam, vì Long An ruột thịt”. Đặc biệt là phong trào “Ba đảm nhiệm” của chị em phụ nữ trong tỉnh không chỉ góp phần xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong tỉnh, mà lớn hơn, là tạo nên niềm tin đối với những người đang trực tiếp cầm súng nơi mặt trận. Bắt đầu việc đảm đương các khâu vẫn do nam giời làm như cày bừa, vận chuyển, đứng máy, lái xe để dần dần thay thế nam giới, tiến tới chị em trở thành lao động chính và đảm nhiệm thay thế được hầu hết lao động trong các ngành, đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Trong việc chuẩn bị cho công tác tuyển quân, Hưng Yên cũng có nhiều sáng tạo. Bắt đầu từ xã Đông Kinh (nay là Đông Kết, Khoái Châu) nổi lên như ngọn cờ đầu của phong trào thi đua “ba nhất”, dần dần phong trào học tập mô hình Đông Kinh lan ra toàn tỉnh. Quân khu 2 đã tổng kết, nếu gắn được phong trào thi đua “ba Nhất” với phong trào thi đua Đại Phong, nếu thường xuyên kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, sẽ có “ba được”: Nhà nước và hợp tác xã được việc; công tác quân sự địa phương và nền quốc phòng toàn dân được củng cố, tăng cường; bản thân và gia đình quân nhân dự bị, dân quân, thanh niên trong độ tuổi được làm tròn nghĩa vụ quân sự, được thêm công điểm, tăng thêm thu nhập. Đơn cử như việc làm thủy lợi, khi huy động lực lượng thanh niên, quân nhân dự bị thực hiện, sẽ thấy kết quả như trên. Hơn thế, còn một cái “được” nữa, đó là rèn luyện được sức khỏe, sự dẻo dai cho lực lượng này. Kể đến đây, cụ Phạm Hùng Thái gật gù: “Thật tiếc là lúc ấy không có nhạc sĩ nào thực tế sáng tác trong phong trào này, chứ nếu được nhạc sĩ giỏi, chắc sẽ có bài hát về việc rèn quân chẳng kém gì bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”…

Rồi chuyện nuôi dưỡng bộ đội, chăm sóc thương bệnh binh.

Rồi chuyện các bà mẹ chiến sĩ…

Con số có thể đếm được: 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương kháng chiến cho tỉnh và hàng vạn Huân chương các loại cho các cá nhân; tỉnh và hơn 20 đơn vị (huyện, xã, phường, thị trấn) được phong tặng danh hiệu Anh hùng, hơn một nghìn Bà mẹ Việt nam anh hùng… là những con số biết nói về sự đóng góp của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phía sau những con số cụ thể ấy, là nhiều hơn gấp bội những việc làm, những hành động thể hiện tình cảm và ý chí của mỗi người con xứ Nhãn nói riêng, con dân đất Việt nói chung khi Tổ quốc lâm nguy.

*

… Vụt thoát khỏi sự mê đắm cuốn hút của những câu chuyện hào hùng của cụ Hùng, tôi chợt nhớ đến câu thơ cổ: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Đã 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng những âm hưởng hào hùng của một thời hoa lửa dường như vẫn hiển hiện không chỉ trong tâm thức những người đã kinh qua nó, mà mãi trường tồn cùng mãi mãi các thế hệ mai sau…

Tin liên quan