KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 24/07/2024 - Lượt xem: 211
'Thủ phủ nhãn lồng' Hưng Yên nhân rộng các giống nhãn đặc sản quý hiếm

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có gần 1.000ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu.

Một vườn nhãn ở Hưng Yên. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Không chỉ được mệnh danh là "thủ phủ nhãn" của cả nước mà Hưng Yên còn được biết đến là nơi có nhiều giống nhãn quý, hương vị thơm ngon, được đông đảo người tiêu dùng săn đón mỗi mùa nhãn chín như nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn, nhãn cùi vân...

Hiện, các giống nhãn quý này được người dân và các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên bảo tồn và nhân rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 nguồn gene nhãn đang sản xuất ở các địa phương, trong đó trên 40 nguồn gene có nguồn gốc bản địa.

Để bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải đặc sản của Hưng Yên, đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 31/12/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030."

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên cơ bản bảo đảm nguồn gene nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gene nhãn, vải.

Đồng thời, tỉnh xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gene nhãn, vải của tỉnh.

Cùng đó, các địa phương trong tỉnh tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ 15-20% diện tích nhãn của tỉnh.

Theo Quyền Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu, thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030," từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các hộ trồng mới, ghép cải tạo các giống nhãn đặc sản.

Đến nay, tỉnh đã có gần 1.000ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu.

Năm 2024, Đề án tiếp tục thực hiện bảo tồn nguyên trạng đối với 45 cây nhãn trong các nhà vườn; duy trì bảo vệ, chăm sóc vườn bảo tồn cây nhãn, vải đặc sản tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh với diện tích 1,5ha.

Những năm trở lại đây, cứ đến vụ thu hoạch nhãn, khu vườn của gia đình ông Bùi Xuân Tám, ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên lại tấp nập khách đến tham quan và thưởng thức giống nhãn cùi cổ.

Ông Tám chia sẻ giống nhãn quý này đến với gia đình ông như một cơ duyên và đây là món quà thiên nhiên ban tặng.

Chăm sóc vườn nhãn. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Ông Tám kể, năm 1990, gia đình đấu thầu hàng nhãn cổ ở chân đê thôn Nễ Châu, đến mùa thu hoạch ông phát hiện có một cây nhãn cho quả rất ngon, cùi giòn và róc hạt, đậm vị thơm mật ong không thua kém gì giống nhãn đường phèn.

Sau đó, ông đã lấy hạt về ươm giống tại vườn nhà, hai năm sau nhãn cho ra quả, đến năm 1997, khi cây trưởng thành và cho năng suất ổn định, gia đình ông đã ghép mắt để nhân rộng giống nhãn quý này.

Đến nay, gia đình ông đã có khoảng 100 cây nhãn cùi cổ cho thu hoạch mang thiêu hiệu "Cây đầu dòng nhãn cùi cổ Bùi Tám."

"Nhãn cùi cổ là nhãn tiến vua của đất Phố Hiến xưa, là một trong những giống nhãn quý trong các dòng nhãn đặc sản của Hưng Yên. Hiện nay, nhiều hộ tìm cách lai tạo hoặc trồng những giống mới cho năng suất và sản lượng cao nhưng gia đình tôi vẫn kiên định với những gốc nhãn cổ và nhân giống để có thêm nhiều người chung tay bảo tồn nguồn gen quý này," ông Tám cho biết.

Theo ông Tám, giống nhãn cùi cổ không chỉ có chất lượng thơm ngon mà còn rất ngoan, mắt ghép có thể tương thích với nhiều giống nhãn khác, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì sau 2 đến 3 năm có thể cho thu hoạch, năng suất ổn định hằng năm. Chỉ cần lựa chọn cây gốc có tuổi 7-8 năm để tiến hành ghép mắt thì cây ghép sẽ phát triển ổn định và chất lượng quả ngon.

Năm 2022, giống nhãn cùi cổ của gia đình ông Tám đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận và cho phép khai thác tối đa từ 1.000 đến 1.500 mắt ghép mỗi năm. Đây là điều kiện để gia đình ông Tám nhân rộng giống nhãn quý này.

Nhận thấy giống nhãn cùi cổ ngày càng bị mai một trong khi người trồng nhãn Hưng Yên đang dần đánh mất đi thương hiệu "Nhãn lồng Hưng Yên," với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Nễ Châu, ông Tám đã tập hợp các hội viên có cùng sở thích để chia sẻ kinh nghiệm trồng nhãn cũng như tìm giải pháp để bảo tồn và nhân rộng giống nhãn cùi cổ này.

Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, đầu năm 2022, ông Tám đã bỏ tiền mua 1.000 cây nhãn con, sau đó về ghép mắt giống nhãn cùi cổ để tặng tất cả các hội viên trong Chi hội. Đến tháng 9/2023, ông Tám tặng 100 cây cho các hội viên trong Chi hội Cựu chiến binh thôn Nễ Châu và xã Hồng Nam để nhân rộng giống nhãn cùi cổ này.

Cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hồng Nam, trước đây, gia đình ông Trịnh Văn Thinh chủ yếu trồng loại nhãn hương chi với năng suất vượt trội nhưng giá thành lại bấp bênh. Nhận thấy giống nhãn cùi cổ ở địa phương được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên năm 2017, ông Thinh quyết định chuyển một phần diện tích sang trồng loại nhãn này. Đến nay, gia đình ông Thinh đã có 20 cây cho thu hoạch.

Theo ông Thinh, so với các loại nhãn khác, nhãn cùi cổ có cùi dày, giòn và róc hạt, có vị thơm như mật ong. Đặc biệt, giống nhãn này thường cho thu hoạch vào cuối vụ (cuối tháng 7 âm lịch) nên người trồng không bị áp lực về thời gian thu hoạch và đầu ra sản phẩm.

Với giá bán từ 90.000-100.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần so với các loại nhãn khác, vụ nhãn năm nay, gia đình ông Thinh dự sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 5 tạ nhãn cùi cổ.

Ông Nguyễn Văn Phi, ở xã Tiền Phong, huyện Ân Thi chia sẻ: "Trồng nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, chúng tôi không phải lo đầu ra về giá bởi những giống nhãn này cung không đủ cầu. Các giống nhãn quý năng suất không cao nhưng bù lại giá thành gấp 3-4 lần giá nhãn trên thị trường. Từ khi quả nhãn còn xanh, thương lái đã đến tận vườn đặt mua. Với 40 cây nhãn đường phèn và nhãn cùi cổ, năm nay, gia đình tôi dự tính sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả"./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan