Theo đại diện Bộ Công Thương đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn nhận để cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, nhằm đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là đoạn sắp tới.
Xuất khẩu hàng hóa qua cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Xuất khẩu những tháng cuối năm được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó khăn do khả năng phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia còn chậm, theo các chuyên gia, để có thể đạt được mức tăng trường cao cần tạo thêm nhiều động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hai chân kiềng quan trọng là đầu tư công và tiêu dùng trong nước, trong đó, điểm nhấn vẫn là cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường.
Áp lực thị trường xuất khẩu
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất-tỷ giá.
Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có bước phục hồi nhờ các giải pháp đồng bộ như ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số…
Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu… tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Báo cáo tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến đạt 6% và kịch bản 2 tăng trưởng cả năm có thể đạt 6,5%, đồng thời cơ quan này cũng nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hoá, công nghệ cao vào tăng trưởng; đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài…
Dock DQS sau khi hoàn thành sửa chữa giàn Đại Hùng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Từ kết quả 6 tháng đầu năm, đầu tư công tiếp tục là động lực chính để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và kéo theo sự phục hồi của doanh nghiệp và thị trường. Với hơn 711.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023 (bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và bổ sung từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội) nếu giải ngân được trên 95% sẽ góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra.
“Kết quả giải ngân của các năm gần đây cơ bản đạt hơn 90%, đây cũng là cơ sở để chúng ta có niềm tin từ nay đến cuối năm đạt mục tiêu của Thủ tướng đề ra…,” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay.
Nhiều khuyến nghị của giới chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng cần tập trung đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, liên kết các vùng kinh tế gắn với thúc đẩy mạnh mẽ nguồn lực đầu tư của nhà nước vào các dự án mang tính bền vững (nhằm khắc phục và hạn chế được những tác động của biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài), các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần điều chỉnh lại một số những khoản đầu tư công mà trong kế hoạch 6 tháng cuối năm và gói phục hồi nào chưa phù hợp thì điều chỉnh lại để làm sao có thể tăng thúc đẩy đầu tư công, để tăng cầu về phía đầu tư.
“Tôi cho rằng có lẽ động lực về đầu tư công sẽ là một trong những động lực rất quan trọng, đã tháo gỡ được thì nó sẽ thúc đẩy lĩnh vực này,” ông Hoàng Văn Cường nói.
Tập trung giải pháp kích cầu
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp còn khó khăn do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Hơn nữa, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới về xuất khẩu doanh nghiệp đang khó khăn vì cầu của thế giới giảm rất mạnh.
Vì vậy, trong bối cảnh này, hệ thống xúc tiến thương mại và cơ quan thương vụ cùng nhiều tổ chức liên quan cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
“Việt Nam đang có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhưng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, cho nên khả năng tự khai mở thị trường là rất khó, cho nên cần khởi động một chương trình rất mạnh mẽ để đi mở mang thị trường, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, thậm chí mở cửa những thị trường mới mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được và cần có những những động lực cho xuất khẩu như vậy,” ông Tuấn nói.
Kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến các rào cản thương mại mới phát sinh. Ví dụ như các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp liên quan đến lao động và môi trường, đặc biệt là hiện nay chính sách thương mại xanh sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động thương mại trong bối cảnh sắp tới.
“Đây là thời điểm doanh nghiệp cần nhìn nhận để có thể cơ cấu về mặt nguyên liệu cũng như công nghệ, qua đó có thể đáp ứng được yêu cầu về thương mại xanh, đặc biệt là giai đoạn sắp tới…,” ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, trong đó có việc giảm 2% thuế VAT cho nhiều loại hàng hoá, dịch vụ… cũng là một trong các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm giá hàng hóa từ đó kích thích sức mua các sản phẩm, dịch vụ trong nước…/.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn